Bài thuyết minh chi tiết về tượng đài mẹ Thứ tại Quảng Nam
☀ Bài thuyết minh chi tiết về tượng đài mẹ Thứ tại Quảng Nam.
Thưa cô chú anh chị:
Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, dân tộc ta đã đánh thắng hai kẻ thù là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đã có hàng triệu người phải ngã xuống. Trong sự hy sinh lớn lao ấy, có công ơn lớn lao của gần 50 ngàn bà mẹ Việt Nam anh hùng, những bà mẹ cả đời chịu thương, chịu khó, tần tảo nuôi nấng con khôn lớn bằng dòng sữa chắt chiu ngọt ngào, bằng hạt gạo thấm đẫm mồ hôi, nuôi nấng các con bằng tình yêu Tổ quốc, tình yêu quê hương, chí anh hùng sẵn sàng bảo vệ non sông đất nước. Khi Tổ quốc cần các mẹ cũng sẵn sàng hiến dâng những đứa con yêu quý để bảo vệ gìn giữ từng tấc đất của Tổ quốc. Từ ý nghĩa sâu xa và lớn lao đó, được sự nhất trí cao của trung ương, của các ngành, các cấp, tỉnh Quảng Nam quyết định xây dựng tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ làm biểu tượng cho gần 50 ngàn bà mẹ Việt Nam anh hùng của cả nước. Mẹ Thứ tên thật là Nguyễn Thị Thứ sinh năm 1904 (theo giấy căn cước, mẹ sinh 1902). Bà sinh tại Xóm Rừng, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mẹ Thứ có chồng cùng 9 người con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại đều là liệt sỹ, là người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhiều nhất qua 2 cuộc kháng chiến chống pháp và chống Mỹ. Mẹ mất vào lúc 01 giờ 40 phút ngày 10 tháng 12 năm 2010 tại bệnh viện Đà Nẵng, thượng thọ 104 tuổi.
Trong hai cuộc Chiến tranh chống Pháp chống Mỹ, Nguyễn Thị Thứ lần lượt nhận 9 giấy báo tử của các con. Tại khu vườn của nhà bà có 5 hầm bí mật, nơi bà và con gái đầu Lê Thị Trị nuôi giấu nhiều cán bộ, bộ đội, du kích Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Trên miệng hầm bà thả hàng chục con bò ăn cỏ ngay trong vườn. Lúc không có quân đối phương, hai mẹ con bà mở hé cửa hầm cho họ dễ thở, khi có động thì lại giả vờ đi coi bò để chỉnh sửa, ngụy trang lại miệng hầm.
Mẹ Nguyễn Thị Thứ đã được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào ngày 17 tháng 12 năm 1994. Khi đến thăm bà, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã cầm tay bà và nói: “Mẹ đã tiếp thêm nghị lực cho chúng con vững bước. Mẹ là Mẹ Việt Nam
Hình: (Bản phối cảnh tổng thể tượng đài Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng)
Ý tưởng của Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng:
Với tình cảm và sự ngưỡng mộ sâu sắc với các bà mẹ Việt Nam anh hùng, với nguồn cảm hứng từ ý tưởng: ” Mẹ là suối nguồn bao la vô tận, Mẹ là linh hồn của Đất nước. Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng, sinh ra những người con anh hùng và sẽ lại hoá thân vào đất, vào non nước Việt Nam. Mẹ sẽ sống mãi ngàn đời với các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau. Mẹ vẫn tiếp thêm nguồn sức sống mạnh mẽ cho các thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vững chắc, giàu mạnh ” mà tác giả đã lựa chọn và điều chỉnh trong quá trình thể hiện tỷ lệ 1/1 để thể hiện hình tượng mẹ Việt Nam anh hùng trong toàn khối tượng đài có chiều cao: 18.37m, chiều rộng: Theo đường thẳng: 84.7m, đường cong: 117m, bề dày khối tượng chỗ lớn nhất là 24.3m, chỗ mỏng nhất ở 2 đầu vách đá là 8.0m với chất liệu bằng đá sa thạch. Bên trong khối tượng là nhà tưởng niệm mẹ Việt Nam anh hùng ghi danh gần 50 ngàn bà mẹ Việt Nam anh hùng, giới thiệu hình ảnh, cuộc đời và sự cống hiến của các bà mẹ Việt Nam anh hùng đối với đất nước. Vị trí cửa ra vào chính ở 2 đầu vách đá, mặt sau lưng tượng có 2 cửa ra vào phụ.
Khối tượng đài chính gắn kết với một hồ nước lớn: Khoảng 981m2 (có hình dáng hồ bán nguyệt). Toàn khối tượng đài có hình dáng của một ngọn núi nhô cao ở giữa và thoải dần ở hai bên. Ở chính giữa toàn khối tượng đài là chân dung bán thân mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn thị Thứ. Thể hiện một chiều sâu nội tâm: Mẹ nén lại những đau thương, mất mát lớn lao của người mẹ, khi những người con đã hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc, bằng một nghị lực phi thường. Chân dung mẹ thể hiện vẻ đẹp của sự nhân hậu, bao dung độ lượng. Với nét bình thản, ung dung tự tại, mẹ vẫn như đang động viên và tiếp thêm nguồn sống mạnh mẽ cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vững chắc, giàu mạnh. Hai bên khối tượng mẹ là hai vách đá được tạo hình giống như những khối đá tự nhiên kết nối liên tục với nhau, nhưng được cách điệu khéo léo bằng những hình khối đa dạng, đa chiều theo một nhịp điệu uyển chuyển nhưng khúc triết mạch lạc, với các cung bậc của tiết tấu và giai điệu từ thấp đến cao, như một bản giao hưởng hùng tráng, được biểu đạt bằng ngôn ngữ điêu khắc đá. Hai bên vách đá thể hiện gương mặt những người con thấp thoáng theo phương pháp nghệ thuật gợi tả, chấm phá để làm tôn vinh thêm hình tượng bà mẹ và gợi mở cho người xem nhiều suy tưởng sâu sắc, đẹp đẽ về mẹ, về đất nước, về con người Việt Nam cả trong quá khứ, hiện tại, tương lai. Hình tượng này cũng gợi cho ta hình ảnh hoành tráng về một đất nước hoà bình thống nhất, các con cháu mọi miền Bắc- Trung- Nam sum vầy quanh mẹ hiền Tổ quốc, luôn hướng về mẹ với tình cảm trìu mến, thương yêu nhất.
Sự kết hợp giữa tượng đài chính với hồ nước lớn, tạo nên một hình ảnh hoà quyện của Sơn- Thủy. Những làn nước trong vắt chảy lặng lẽ từ các vách đá xung quanh thân mẹ xuống các tầng hồ thể hiện sự hiến dâng âm thầm của mẹ hiền đối với các con, đối với Tổ quốc. Tình cảm đó như bát nước đầy không bao giờ vơi cạn.
Qui hoạch chi tiết không gian kiến trúc và cảnh quan cho Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng nhằm làm tôn tạo hơn các giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật cho tác phẩm điêu khắc ” Mẹ Việt Nam anh hùng ” đã được lựa chọn. Không gian đó không chỉ là nơi ta đến để tôn vinh và tưởng nhớ người Mẹ anh hùng, mà còn là nơi trải nghiệm và cảm nhận các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam. Là nơi các con của mẹ, các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau thăm quan, vui chơi hằng ngày và tổ chức sinh hoạt văn hoá tư tưởng cũng như các lễ hội.
Không gian đó là công viên, với một hình thái đặc thù riêng đó là công viên tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng. Với một cấu trúc quy hoạch, mặt bằng mang tính dẫn dắt tạo nên một khả năng dẫn nhập tình cảm đối với người xem: Từ xao xuyến bồi hồi, xúc động đến ngập tràn tình cảm yêu thương, ngưỡng mộ sâu sắc đối với hình tượng bà mẹ Việt Nam anh hùng, theo từng lớp lang không gian kiến trúc, từ ngoài vào trong. Hình thái này hoàn toàn khác biệt với không gian công viên vui chơi giải trí, không gian công viên dành cho các vị lãnh tụ, không gian quảng trường dành cho việc biểu dương sức mạnh của quân đội, của các tầng lớp nhân dân. Cũng như hoàn toàn khác với không gian công viên dành cho các đài tưởng niệm liệt sĩ, tượng đài chiến thắng khác.
Ý nghĩa và cách tổ chức không gian và hình thái kiến trúc cảnh quan:
Sử dụng hình thái ” yên ngựa ” như một phông thiên nhiên cho Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng.
Đặt tượng đài ở vị trí có cao độ 15.0m (cao hơn đường An Hà – Quảng Phú: 15.0m – 6.25m = 8.75m ). Với độ cao tượng 18.37m, độ rộng: 84.7m ( theo đường thẳng ) của tượng đài, tổng thể cảnh quan tượng đài như một nhịp đồi với 3 độ cao thấp dần về hướng Tây Nam : Mỏm đồi hướng Đông núi Cấm có cao độ 35.0m ( so với mực nước biển) cao hơn đường An Hà – Quảng Phú: 35.0m – 6.25m = 28.75m, tượng đài 33,37m ( cao hơn đường An Hà – Quảng Phú: 33.37m – 6.25m = 27.12m ), mỏm đồi hướng Tây có cao độ là 26,0m ( so với mực nước biển) cao hơn đường An Hà – Quảng Phú: 26.0m – 6.25m = 19,5m . Hình thái này tạo cảm nhận hoành tráng cho tổng thể tượng đài.
Hệ thống không gian công viên tượng đài được tổ chức theo hình thức không gian nghi lễ truyền thống: Có quảng trường – cổng – đường dẫn chính – sân hành lễ – đài và hậu đài. Hai bên là các vườn, đường dẫn chính có các bậc cấp cao dần từ cổng đến đài theo trình tự như sau:
– Tiếp cận công viên tượng đài ” Mẹ Việt Nam anh hùng ” là một quảng trường tiền môn, có độ thoáng rộng để từ xa có thể nhận biết tượng Mẹ Việt Nam anh hùng. Quảng trường tiền môn còn là nơi đón tiếp du khách trong dịp lễ hội hay thường nhật đến thăm quan tìm hiểu về Mẹ anh hùng, có 30 ô thảm cỏ tượng trưng cho 30 năm kháng chiến trường kỳ giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc của nhân dân ta.
– Tại quảng trường này có 8 trụ biểu, có chiều cao 9m, đường kính 1.65m, con số 8 ở đây theo quan niệm của người phương Đông là con số biểu tượng cho sự phồn vinh, sự sung túc, sự đoàn tụ tốt đẹp. Là một trong những số tốt nhất theo quan niệm phương Đông là 3, 5, 8, 9 , nhưng con số 8 là con số chẵn phù hợp với sự sắp xếp, bố cục 2 bên, mỗi bên 4 trụ trước khi vào đường dẫn chính. Khoảng cách giữa 2 nhóm trụ ở 2 bên đường dẫn chính là 45m để không ảnh hưởng đến tầm nhìn từ đường An Hà đến khối tượng chính. Các trụ biểu này khắc chạm các huyền thoại về Mẹ anh hùng, những hình ảnh về các bà mẹ Bắc Bộ, bà mẹ Trung Bộ, bà mẹ Nam Bộ, bà mẹ Tây Nguyên. Huyền thoại về những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn, các chị đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Đây là những biểu tượng đẹp đẽ, đầy tự hào về người phụ nữ Việt Nam. Đan xen với những biểu tượng đó là những chạm khắc huyền thoại về suối nguồn, huyền thoại về lời ru của mẹ phảng phất câu dân ca Bắc bộ, điệu hò Trung bộ, điệu lý Nam bộ cùng với những nét văn hoá đặc trưng của vùng miền. Với ngôn ngữ chạm khắc hiện đại kế thừa những nét tinh hoa của điêu khắc thời Lý, Trần, điêu khắc nhà mồ Tây Nguyên, sẽ có tác dụng khơi gợi và ghi sâu vào tâm thức mỗi người chúng ta tình mẫu tư,í về nét đẹp đầy tính nhân văn, nét đẹp văn hoá từ ngàn xưa của dân tộc ta. Những hình ảnh chạm khắc trên các 8 trụ huyền thoại có tác dụng định tâm và dẫn nhập tình cảm của ta với Mẹ trước khi bước vào đường dẫn chính đến với tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng: Tám trụ huyền thoại Mẹ là hình thức kiến trúc như một ” cổng ảo ” cho công viên Tượng đài.
– Phía sau Tám trụ là Hai hồ lớn tượng trưng bằng hai thảm hoa với màu sắc đan xen tạo cảm giác nước chảy. Hai hồ nước là nơi hội tụ của ” suối nguồn ” như muốn nói lên ý nghĩa sâu nặng từ trong câu ca dao Việt Nam: ” Cha mẹ thương con biển hồ lai láng ” .
– Đường dẫn chính dài 200m, được phân thành 4 đợt cấp với các bậc thang: Gồm 5+5+8+ 9 bậc ( đến gần sân hành lễ có 8 + 9 là 17 bậc), tạo sự tôn vinh khối Tượng mẹ. Hai bên đường dẫn chính là 2 suối nước, cũng tượng trưng bằng thảm hoa, được trồng đan xen màu sắc và cách điệu như nước chảy: Dài 150m, rộng 3.6m. Dòng nước trong xanh chảy mãi như ” suối nguồn vô tận ” . Dọc theo suối nước hai bên đường dẫn chính là 30 ngọn đèn bằng đá, tượng trưng cho 30 năm mẹ đợi ngày đất nước hoà bình, thống nhất, 30 năm mẹ đón chờ các con cháu Bắc – Trung – Nam về sum họp một nhà. Ở cao độ + 12,150m hai bên có hai thác nước cao từ 2,4m đến 3m đổ xuống, tượng trưng bằng thảm hoa đan xen màu sắc, tạo cảm giác như thác nước, khởi nguồn cho dòng nước động như sức sống mãnh liệt của đất nước, của thế hệ con cháu luôn được mẹ tiếp thêm nguồn sức mạnh vô biên. Nguồn nước, suối nước, thác nước là các dạng thái động là cho cảnh sắc có âm thanh, tô đậm hơn ý tưởng ” lòng mẹ như suối nguồn, bao la, vô tận “.
– Hai bên đường dẫn chính là hai khu vườn truyền thống và hiện đại :Thể hiện sự giao hoà giữa bản sắc văn hoá dân tộc với xu thế hiện đại trong tương lai. Là sự hoà nhập tình cảm giữa thế hệ đi trước với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Ở các vườn hiện đại, chủ yếu là các thảm cỏ rộng, điểm xuyết các cây trồng địa phương.
– Trên các thảm cỏ có các phiến đá trắng nổi lên, trên các phiến đá có khắc các vần thơ hay về mẹ. Trước khi đến với tượng đài ta bắt gặp câu thơ ” Con ơi lòng mẹ như sông cả, chảy mãi nào ai lấp được nguồn ” . Chắc sẽ cho ta cảm nhận sâu sắc hơn cái lớn lao vô hạn của tình mẫu tử. Ngôn ngữ giúp tình cảm đi sâu hơn, trực tiếp hơn và lắng đọng hơn. Ngôn ngữ giúp cho hình tượng tạo hình đến với lòng người sâu sắc hơn.
– Ở vườn truyền thống là các dòng suối nhỏ, cây cảnh, cầu đá, bờ ao, các chòi nghỉ và các trường lang. Các chòi nghỉ và trường lang vừa để che nắng, vừa để khuôn định hình thức vuông, tròn của không gian vườn trong không gian tự nhiên và thoáng mở. Một mai, khi có điều kiện, các trường lang sẽ là nơi trưng bày các tác phẩm hội hoạ và phù điêu về Mẹ, như một ước định nữa về cái đẹp của Mẹ.
– Cuối đường dẫn chính là quảng trường nghi lễ, nơi có thể tổ chức các lễ, các hội để tưởng nhớ và tôn vinh Mẹ. Quảng trường được trồng cỏ lá gừng và các khóm cây tập trung hai bên như: Cây sao đen, chò chỉ, vạn tuế, cau vua, cau ta, cau lùn, hoàng linh… giảm được cái nắng chói chang xứ Quảng và khi cần có thể dùng chứa một số lượng người lớn tập trung. Hồ nước trước Tượng đài, hình bán tròn ôm lấy tượng Mẹ Việt Nam anh hùng. Hai bên tượng đài là hai thảm hoa lớn với diện tích 600m2 được trang trí với nhiều hoạ tiết, với sắc thái của 54 dân tộc Việt Nam, tượng trưng cho những cánh hoa của các con thuộc 54 dân tộc Việt Nam dâng lên Mẹ.
– Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng là trung tâm của tổ hợp không gian.
– Phía sau tượng đài là một vườn đá. Những tảng đá lớn có khắc những bài thơ về mẹ như một vần kết về khúc tráng ca Mẹ anh hùng. Hình tượng tạo hình, hình thức không gian kiến trúc và hình ảnh cảnh quan được khép lại với ngôn ngữ thơ ca làm cho ta ngập trong một tổng hoà nghệ thuật ngợi ca về Mẹ Việt Nam anh hùng. Lòng ai không lắng đọng, buâng khuâng và da diết với một tình yêu Mẹ khi đã đến đây.
Tại sao lựa nơi đây là địa điểm xây dựng?
Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng là một công trình mang tầm vóc quốc gia, mang tính lịch sử, văn hoá, nghệ thuật và ý nghĩa chính trị rất quan trọng.
Tỉnh Quảng Nam cũng xứng đáng là nơi đặt tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, đây là tỉnh có nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng nhất cả nước (gần 7 ngàn bà mẹ Việt Nam anh hùng). Là nơi có mẹ Nguyễn Thị Thứ với chín người con đã hy sinh cho Tổ quốc .
Công trình này được đặt tại Núi Cấm , xã Tam Phú – thành phố Tam Kỳ. Tỉnh Quảng Nam chọn vị trí này dựa vào các yếu tố sau đây:
– Từ Lạng Sơn đến Cà Mau, thì Tam Kỳ có vị trí địa lý gần như nằm ở giữa hai đầu đất nước là vị trí trung độ của cả nước.
– Vùng đất được chọn để xây dựng tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng là nơi “ Sơn thuỷ hội tụ” (núi non và sông nước quy tụ về) giữa vùng đồng bằng ven biển. Khu vực này có núi Cấm, núi Quảng Phú, đồi An Hà, xa hơn về phía Tây có vùng núi đồi Trà Cai.Tất cả là những địa danh vừa có vẻ đẹp của thiên nhiên, vừa mang tính lịch sử – văn hoá ( Năm 1945 tại khu vực Quảng Phú, Núi Cấm, đồi Trà Cai, các lực lượng quần chúng nhân dân và tự vệ đã bí mật tụ tập ở đây để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cuộc cách mạng tháng 8 ). Từ phía Tây -Nam, sông Kỳ Phú chảy ra hoà với một nhánh của dòng Trường Giang ở phía Nam. Phía đông là dòng chính của Trường Giang chảy dọc theo ven biển, nối liền từ cửa An Hoà (huyện Núi Thành) ở phía Nam và Cửa Đại (Hội An) ở phía Bắc; đây là con đường thuỷ huyết mạch của Quảng Nam trong nhiều thế kỷ, như là một biểu tượng nối liền Nam – Bắc.
– Theo cái nhìn Phong Thuỷ, hướng Đông là hướng thuộc về Thanh Long ( Rồng xanh); hướng Tây thuộc về Bạch Hổ ( Hổ trắng), hướng Nam thuộc về Chu Tước ( Phượng hoàng), hướng Bắc thuộc về Hắc Quy (Rùa đen).
– Có thể nói dường như địa hình của vùng này đã được thiên nhiên an bày sẵn cho việc xây dựng Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng. Hướng Đông – Thanh Long có dòng Trường Giang, hướng Tây- Bạch Hổ có núi đồi Trà Cai; đây là thế đất “ Long Chầu”, “ Hổ phục”: Thanh Long ở phía Đông có dòng Trường Giang làm tăng thêm sức mạnh che chở nhân gian; Bạch Hổ ở phía Tây có núi đồi làm giảm bớt sự bạo liệt của mãnh thú; phía Nam có sông Kỳ Phú, một nhánh của sông Trường Giang bao bọc, nuôi dưỡng cho luồng sinh khí của Phượng hoàng dâng cao và lan toả khắp nơi.
– Từ những hướng nhìn trên có thể nói đây là vùng Địa Linh của xứ Quảng.
– Địa hình đặt Tượng đài có dáng nét mềm mại, gợi được hình ảnh hùng vĩ của non sông, đất nước sẽ làm nền cảnh tuyệt vời cho tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng. Từ vị trí độc đáo này đã giúp nâng cao và phát huy ý tưởng công trình: “ … mẹ là linh hồn của đất nước…”. Đây là vị trí có điều kiện tự nhiên, điều kiện phong thuỷ tốt, lại nằm trên đường đi ra bờ biển, là địa điểm thuận lợi cho việc thăm viếng của nhân dân và thăm quan của các đoàn khách du lịch.
– Do nền đất tự nhiên cao hơn so với mặt đường phía trước tượng đài và địa hình xung quanh là 8.15m, nên điểm nhìn từ đường quốc lộ cũng như các khu vực xung quanh đến tượng đài đều rất rộng, có tầm nhìn rõ, càng làm tôn vinh sự hoành tráng của tượng đài.
– Vị trí đặt tượng đài ở đây còn có một lợi thế rất quan trọng là: Cho dù mùa mưa có thể gây lụt lội cho thành phố Tam Kỳ, nhưng do có sông Trường Giang và sông Kỳ Phú ngăn cách nên khu vực tượng đài hoàn toàn không bị lụt lội do thiên nhiên gây ra.
Trong tương lai khi tuyến đường du lịch Thanh Niên dọc ven biển từ Sơn Trà Đà Nẵng đến Núi Thành Quảng Nam được xây dựng xong, kết nối với đường An Hà -Quảng Phú sẽ hình thành một tuyến du lịch, thì một trong những điểm đến du lịch tuyệt vời đó là Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng.
Hướng chính của tượng đài:
Nhìn theo góc độ của ý tưởng và khoa học của tượng đài:
– Hướng mẹ nhìn phía trước là hướng Đông Bắc có sông Trường Giang, xa hơn là biển Đông nói lên lòng mẹ bao la như biển rộng, sông dài.
– Sau lưng mẹ là dãy núi Cấm nhấp nhô như ôm lấy tượng Me,û tạo thế dựa lưng như sự gắn kết tình cảm thắm thiết của quê hương đất nước với mẹ hiền.
Hướng chính Tượng đài hướng Đông Bắc, lệch với đoạn đường An Hà- Quảng Phú 1 góc 43o. Nơi khách thăm quan sẽ vào đường dẫn chính đến tượng đài. Với góc độ của hướng này, thì ánh sáng mặt trời chiếu hơi chếch so với mặt đứng chính của tượng đài, sẽ tăng hiệu quả của ngôn ngữ khối điêu khắc. Theo cách nhìn phong thuỷ thì hướng Đông Bắc nằm trong cung Thổ ( tức là đất ) cũng rất phù hợp với ý tưởng “… Mẹ …sẽ lại hoá thân vào đất …”. Vì vậy, chọn hướng này nhìn theo các góc độ khoa học và tâm linh đều đạt yêu cầu. Nền đặt tượng ở cao độ +14.400, chênh cao với mặt đường An Hà- Quảng Phú là: 8.15m.
Nếu nhìn theo góc độ lịch sử, góc độ tâm linh và phong thuỷ thì:
Xưa kia những người Việt “ Bắc địa tòng vương“ (dân vùng đồng bằng Bắc bộ và Bắc trung bộ theo chân vua Lê Thánh Tông đi mở đất, lập ra Đạo Thừa Tuyên Quảng Nam) sống ở phương Nam nhưng lòng vẫn hướng về quê cha đất tổ ở phương Bắc như tâm trạng 2 câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ:
“….. Từ thuở mang gươm đi mở nước
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long …”
Chính vì thế mà tượng Mẹ hướng mặt về nơi phát tích của người Việt; tuy nhiên không phải là hướng chính Bắc, mà là hướng Đông – Bắc.
Theo hình sông, thế núi của khu vực xây dựng tượng đài thì: Tượng Mẹ là trung tâm ( tượng ứng với Thổ ). Cây cối ( Mộc ) ở hướng Đông được đất Mẹ (Thổ) nuôi dưỡng, thêm nguồn nước ( Thuỷ ) ở phía Bắc thì càng tốt tươi. Thuỷ (nước) ở hướng Bắc có thể nuôi dưỡng Mộc (phía Đông) nhưng cũng có thể dập tắt hoả ở hướng Nam. Do vậy mẹ hướng về phía Đông – Bắc có thể tránh được sức mạnh cuồn cuộn của Thuỷ, đồng thời kết hợp được Thuỷ và Mộc thì vạn vật sẽ sinh sôi tươi tốt; lưng mẹ che chở cho Hoả ở phía Nam tránh được sức mạnh của Thuỷ, nuôi dưỡng ngọn lửa cho thế gian.
Như vậy nhìn theo góc độ lịch sử, tâm linh và phong thuỷ thì hướng Đông – Bắc là hướng tốt nhất cho tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng.
Các công trình phụ trợ:
– Bảo tàng mẹ Việt Nam anh hùng: Đặt trong lòng khối tượng chính, có tổng diện tích 950m2. Đây là nơi ghi danh gần 50 ngàn bà mẹ Việt Nam anh hùng của cả nước và lưu giữ những ảnh tư liệu về những bà mẹ Việt Nam anh hùng, hình ảnh về những người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bên cạnh những hình ảnh tư liệu đó là hiện vật gắn liền với đời sống, gắn liền với những câu chuyện, kỳ tích của những bà mẹ và những người phụ nữ Việt Nam anh hùng. Hình ảnh của những người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu cho 54 dân tộc Việt Nam được thể hiện qua các tác phẩm hội hoạ, phù điêu, ảnh nghệ thuật. Ngoài ra sẽ có trang thông tin điện tử lưu giữ các câu chuyện, những bài thơ, bài hát về các bà mẹ Việt Nam anh hùng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Những tư liệu quý này sẽ góp phần tích cực trong việc giáo dục truyền thống và tạo nên sức hút đặc biệt đối với các đoàn khách du lịch tới Việt Nam.
– Khu nhà tổng hợp với nhiều chức năng sử dụng: Hội thảo, chiếu phim, tiếp khách, quản lý, kỹ thuật, có diện tích 814.0m2, khối nhà có chiều cao tới mái là: 9.35m, mái bê tông dán ngói gốm màu xanh, với lối kiến trúc truyền thống Việt Nam.
– Khu WC và nhà bảo vệ : Ba khu vệ sinh nam, nữ công cộng có diện tích 192m2 đặt 3 vị trí phù hợp với không gian quy hoạch chung. Nhà vệ sinh nam, nữ có chiều cao 4.5m mái khung thép lợp ngói gốm màu xanh. Nhà bảo vệ có diện tích 16m2.
– Nhà chòi hình tứ giác và lục giác: Đặt dọc hai bên lối vào chính, mái bêtông cốt thép dán ngói trúc xanh, trống bốn phía.
Giao thông nội bộ chia làm 3 loại đường :
+ Đường trục chính rộng 12m, nền bêtông lát đá tự nhiên.
+ Đường hành lang rộng 3m, nền bêtông lát đá tự nhiên đi vào các khu vườn cảnh.
+ Đường đất nện rộng 2m đi dọc 2 bên khuôn viên.
Hệ thống điện chiếu sáng: Ngoài 30 cây đèn đá cao 2,15m, với kiểu dáng gần gũi với ngôn ngữ của 8 trụ huyền thoại tạo nên sự kết nối trong ngôn ngữ điêu khắc tổng thể. 30 ngọn đèn có ý nghĩa tượng trưng cho 30 năm mẹ mong chờ đất nước thống nhất. Hệ thống chiếu sáng, được phân bố hợp lý trên mặt bằng không gian tượng đài gồm : Các loại đèn chiếu hắt lên khối tượng, và 8 trụ huyền thoại để tăng hiệu quả khối điêu khắc nhìn về ban đêm. Một số đèn chiếu len lỏi trong các khóm cây, vườn hoa tạo nên sự ẩn hiện, gây hiệu quả thêm về yếu tố tâm linh. Một số đèn chiếu sáng dẫn theo lối đi, với lượng sáng vừa phải, hợp lý. Toàn bộ hệ thống chiếu sáng mang yếu tố nghệ thuật rất cao, tạo nên chiều sâu cảm xúc với không gian tượng đài mẹ.
Nguồn:
Tác giả tượng đài: Họa sỹ Đinh Gia Thắng
Hội viên hội mỹ thuật Việt Nam
Chủ trì thiết kế quy hoạch kiến trúc: KTS Nguyễn Luận
👍 Nếu bạn là HDV du lịch hãy tham gia Group TÀI LIỆU THUYẾT MINH DU LỊCH để xem nhiều tài liệu hay được cập nhật liên tục.
👍 Hãy chia sẽ nếu bạn thấy có ích.
Tin liên quan
Thời gian:
Phương tiện: