Bài thuyết minh Lăng Tự Đức tại Huế – Part 2

PHẦN 2: LĂNG MỘ VUA TỰ ĐỨC.

Một khó khăn lớn nữa của vua Tự Đức là ông làm vua ở thời điểm có nhiều tư tưởng trái ngược nhau trong triều đình Huế và nho sĩ. Người bảo đánh Tây, kẻ lại cầu hòa, vua Tự Đức không đủ bản lĩnh để khẳng định một lựa chọn khi đứng giữa hai bên. Cuối cùng thì việc lớn không làm được. Trong bài Khiêm Cung Kí, nhà vua cũng đã tự nhận trách nhiệm của mình : “Không sáng suốt trong việc biết người, ấy là tội của ta. Hàng trăm việc không làm được, đều là tội của ta cả…”

Sự do dự của ông còn thể hiện trong di chiếu của mình trước khi qua đời. Khi quyết định truyền ngôi lại cho người con nuôi lớn tuổi nhất để tránh nạn quyền thần (đã từng xảy ra với mình), thế nhưng ông còn do dự đến nỗi ghi trong di chiếu rằng người này thiếu tài đức, lại có nhiều tật xấu,…v…v… Và chính điều này đã mang lại bi kịch cho vị vua nối ngôi là Dục Đức cũng như các vị vua sau này và phần này góp phần làm cho vương triều nhà Nguyễn càng thêm suy yếu.

Kể đến đây, chắc hẳn quý vị cũng đồng ý với tôi rằng làm vua không hề dễ dàng và sung sướng như mọi người vẫn nghĩ phải không ạ?

Quý khách nhìn sang hai bên nhà bia có thể thấy hai trụ biểu sừng sững uy nguy, thể hiện uy quyền và tài đức của nhà vua. Trụ biểu thường được dựng ở những công trình quan trọng mang tầm cỡ quốc gia, khi nhìn thấy trụ biểu này, thì người ta hiểu ra đây là nơi trang nghiêm, phải kính cẩn, giữ yên lặng, không được phép nói chuyện ồn ào. Phía trên trụ biểu được tạc hình hoa sen, đây là một trong những dấu ấn của Phật Giáo được thể hiện trong các công trình kiến trúc dưới thời Nguyễn, triều đại mà Phật Giáo rất thịnh hành.

Đứng từ đây nhìn về phía bên phải của quý khách, đó là phần mộ của Hoàng Hậu của vua – Lệ Thiên Anh Hoàng Hậu, tên thật của bà là Võ Thị Duyên. Bà là con của Thái Tử Thái Bảo, Đông các đại học sĩ, kiêm quản Quốc Tử Giám sự vụ Võ Xuân Cần.

Phía xa hơn là phần mộ của vua Kiến Phúc. Kiến Phúc là một trong ba người con nuôi của vua Tự Đức mà sau này được lên ngôi vua. Hai người anh của vua Kiến Phúc là con của Kiến Thái Vương, ông có ba người con trai là Nguyễn Phúc Ưng Đăng, Nguyễn Phúc Ưng Lịch và Nguyễn Phúc Ưng Đường đều được vua Tự Đức nhận làm con nuôi và sau này lần lượt đăng ngôi, chính là ba vị vua Kiến Phúc, Hàm Nghi và Đồng Khánh. Trong người này thì Kiến Phúc là người con nuôi được Tự Đức yêu quý nhất. Nhưng thật không may, ông chỉ làm vua được 8 tháng thì qua đời, và do hoàn cảnh binh biến rối ren lúc bấy giờ, vua Kiến Phúc đã được an táng ở đây. Câu chuyện về cái chết của vua Kiến Phúc đến nay vẫn còn nhiều nghi vấn, nếu quý khách quan tâm thì lát nữa khi trở ra tôi sẽ kế cho quý khách nghe. Bây giờ xin mời quý khách đi vào bên trong.

Xin mời quý khách dừng lại trong giây lát. Kính thưa quý khách, chúng ta đang đi ngang qua hồ Tiểu Khiêm. Hồ có hình bán nguyệt, ý muốn nói rằng trăng khuyết rồi trăng sẽ lại tròn, cuộc đời có lúc trầm rồi sẽ có lúc thăng, và mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp. Đây cũng là một quan niệm rất có ý nghĩa với vua Tự Đức, khi mà cuộc đời của ông đã có quá nhiều biến cố và bất hạnh rồi và đây chính là nơi mà ông muốn hòa mình vào với cảnh quan thanh thoát, hữu tình, với thiên nhiên cây cỏ để tìm quên. Hồ được xây ngay trước phần mộ của vua còn mang một ý nghĩa sâu xa nữa, đó là hồ đựng nước mưa để linh hồn vua rửa tội- điều này thể hiện sự chu toàn của vua trong việc đón nhận cái chết. Hồ Tiểu Khiêm được xây dựng ngay trước chính diện của Bửu Thành, chính là nơi chôn cất thi hài của vua Tự Đức. Bây giờ xin mời quý khách tiếp tục đi vào bên trong để tham quan mộ vua.

Kính thưa quý khách, đây là khu vực bia mộ của nhà vua. Phía trước – sau đều có tấm bình phong làm tiền án và hậu chẩm, lấy hồ Tiểu Khiêm là yếu tố minh đường và xung quanh là tường thành bao quanh, bốn bề thông reo. Chính giữa là bia mộ vua được xây bằng đá. Tuy nhiên, thi hài của vua đang ở vị trí nào thì không một ai biết. Tương truyền rằng, khi vua chết, đoàn quân đưa tang vua đi thuyền xuôi hồ Lưu Khiêm rồi vào đến đây thì đào một đường hầm xuống thẳng huyệt đạo và chôn cất thi hài vua ở một vị trí bí mật, xong thì lấp lại bằng đá thanh và công trình có được hình dáng bề ngoài như chúng ta thấy. Sau đó thì những người đưa tang này không bao giờ trở ra nữa. Và bí mật về vị trí chôn thi hài của vua đến nay vẫn còn là một ẩn số. Một số người cho rằng chỉ có hoàng tử thân tín của vua biết, nhưng thực hư thế nào đến nay vẫn chưa hề được hé mở.

Có một điều đặt biệt là không phải riêng gì vua Tự Đức mới chọn cách mộ táng bí mật như vậy.Trong hầu hết các lăng mộ của các vị vua khác trong triều Nguyễn, vị trí chôn thi hài của nhà vua cũng được giữ bí mật. Lí do thì có rất nhiều. Xuất phát từ niềm tin vua vẫn tiếp tục sống và hưởng thụ phú quý ở một thế giới khác, người ta thường chôn cùng thi hài của vua những tài sản vàng ngọc và châu báu quý giá. Vì thế mộ vua sẽ dễ trở thành mục tiêu của những tên đào trộm mộ. Bên cạnh nguyên nhân này, mộ vua cần được giữ bí mật vì một căn nguyên sâu xa nữa, đó là tránh sự trả thù. Để hiểu thêm về điều này thì chúng ta phải quay ngược về quá khứ để tìm hiểu mối thâm thù giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn- tức vua Quang Trung (Nguyễn Huệ). Lúc bấy giờ khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn thành công, vua Quang Trung lên ngôi nhưng vẫn chưa hoàn toàn yên tâm về cơ đồ mới được gây dựng của mình. Ông muốn triệt tiêu tận gốc mầm mống phục hưng của dòng họ chúa Nguyễn, bèn cho người đi tìm các phần mộ của các vị chúa Nguyễn từ đời Nguyễn Hoàng trở đi và cho đào tung hàicốt lên, xử trảm hài cốt và mỗi phần cho vứt mỗi nơi. Ông cho rằng làm như vậy để từ nay sự hưng thịnh của con cháu của chúa Nguyễn không bao giờ khôi phục được nữa. Sau này, khi Nguyễn Ánh đánh bại triều đình Tây Sơn và lên ngôi vua,lấy hiệu là Gia Long, ông cũng đã cho quân lính truy tìm và khai quật mộ vua Quang Trung và đã trả thù cho tổ tiên của mình bằng đúng cách đó. Gia Long nói rằng: ” Ta vì chín đời mà trả thù.” Và có lẽ, chính mối thù này đã là một kinh nghiệm đau thương mà các vua nhà Nguyễn không bao giờ muốn lập lại. Vì thế, khixây lăng mộ, vị trí thi hài của nhà vua luôn được giữ bí mật. Tất nhiên, đây chỉ là một câu chuyện bên lề lịch sử mà tôi cung cấp thêm cho quý vị, còn thực hư như thế nào thì trước nay lịch sử luôn có những dị bản. Và nếu quý khách muốn tìm hiểu thêm, thì tôi chắc chắn rằng còn có rất nhiều điều thú vị chưa được hé mở đằng sau những lăng mộ như thế này. Tiếp theo quý khách hãy theo chân đến thăm khu tẩm điện.

Xem tiếp phần 3 tại đây: https://citytourdanang.com/bai-thuyet-minh-lang-tu-duc-tai-hue-part-3.html

👩‍‍💋‍👩 1 phút quảng cáo:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan

Thời gian:

Phương tiện:

Giá: Liên hệ

Thời gian:

Phương tiện:

Giá: Liên hệ

Thời gian:

Phương tiện:

Giá: Liên hệ