Bí ẩn cái chết của vua Quang Trung Nguyễn Huệ
Cái chết của Nguyễn Huệ thật sự là một trong những bí ẩn lớn nhất lịch sử Việt Nam, vì ông chết chỉ trước 20 ngày đánh trận cuối cùng với Nguyễn Ánh, chết trong cái độ tuổi sung mãn nhất là 40. Có vài giả thiết:
1. Bị Ngọc Hân đầu độc vì ghen khi Quang Trung sai hổ tướng Võ Văn Dũng qua hỏi cưới cách cách của Càn Long. Trong lúc đang đề nghị thì bỗng nghe tin dữ rằng vua qua đời, Dũng té quỵ xuống khóc lóc rồi trở về nước.
2. Bị Càn Long đầu độc bằng chiếc áo bào có mấy chữ thêu bằng kim tuyến “Xa tâm chiết trục, đa điền thử”. Nếu ghép lại thì thành ra lời tiên tri rằng người mặc áo này sẽ chết vào năm Tý. Quả thật năm 1792 là năm Nhâm Tý. Nhưng vua Quang Trung đâu có khờ đến mức mặc áo do kẻ thù ban. Càn Long hơn Quang Trung tới 42 tuổi, là một con cáo già, hẳn Quang Trung phải đề phòng.
3. Sử chép: “ Vua Quang Trung đang ngồi làm việc, bỗng hoa mắt, tối sầm mặt mũi, mê man bất tỉnh. Một hồi lâu được cấp cứu mới tỉnh lại”. Triệu chứng rất giống tai biến mạch máu não, bị cao huyết áp vì làm việc quá căng thẳng, suy nghĩ nhiều. Hoặc bị viêm phổi sặc, xuất huyết dưới màng não. Mà dù thế nào thì vua Quang Trung cũng khó qua khỏi, nếu qua khỏi thì cũng bại liệt, mất trí hoặc ngớ ngẩn. Đây là những căn bệnh nguy hiểm thậm chí đến tận thế kỷ 21.
4. Assassin’s Creed: Dai Viet chronicles. Do sát thủ của Nguyễn Ánh cử ra ám toán.
Mình từng muốn thăm mộ vua Quang Trung nhưng rất cay đắng khi Gia Long đã phá hết. Nhưng sau này tìm hiểu thì mình lại có thêm hy vọng:
Quang Trung hoàng đế không chết ngay buổi chiều hôm ấy mà vài ngày sau mới nhất. Dĩ nhiên ông còn đủ thời gian để trăn trối. Ông ý thức được sự nguy hiểm của Nguyễn Ánh nên bảo Trần Quang Diệu sau khi mình chết hãy đem Quang Toản về Phượng Hoàng Trung Đô, còn an táng cho mình thật sơ sài và nhanh chóng trong vòng 1 tháng, đừng làm cầu kỳ. Cái đêm vua mất thì mọi thứ vẫn nằm trong vòng bí mật. Thậm chí cả đại quân sư La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp mà còn không biết, khi biết thì cũng không được vào vì đường sá canh nghiêm.
Mình nghĩ Quang Trung là người thông minh, làm việc luôn có kế hoạch, vì ông đã phá hủy lăng mộ các chúa Nguyễn trước đó hẳn ông phải biết kết cục ngôi mộ của mình ra sao nếu Gia Long chiến thắng. Có thông tin rằng vua Quang Trung chưa bao giờ ở trong thành Phú Xuân, bởi vì khi ông diệt họ Trịnh tại đây đã nhận ra điểm yếu của nó là bị kẹp giữa sông Hương và sông Kim Long, rất dễ bị thủy quân tấn công.
Do đó vua sống và làm việc tại một cung điện ẩn dật gọi là Đan Dương. Và muốn giữ được bí mật tuyệt đối thì chỉ còn cách chôn vua ngay tại cung điện đó. Trong bài thơ “Cảm hoài” do Ngô Thì Nhậm viết có chú một đoạn rằng:
– Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta.
Rất có thể Gia Long đã đào nhầm phải mộ giả Quang Trung, như cách Tào Tháo đã từng làm trước kia. Hiện các nhà khảo cổ vẫn đang ra sức tìm kiếm cung điện Đan Dương ở đâu, mình mà biết là tới ngay.
P/s: Trong thâm tâm của vua Quang Trung là muốn xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô thật hoành tráng để làm thủ đô Tây Sơn, không phải “ở tạm” trên kinh đô cũ Phú Xuân của các chúa Nguyễn. Nên nhớ Tây Sơn lúc đó có 2 vùng, Nguyễn Huệ chỉ giữ đoạn từ Huế trở ra bắc thôi, còn giữa miền trung là của Nguyễn Nhạc. Xem Tây Sơn là 2 nhà khác nhau cũng được.
Vua cho rằng Nghệ An nằm giữa, đường sá từ Nam ra, từ Bắc vào đều bằng nhau, chưa kể quê tổ tiên ông cũng ở đấy. Bèn sai trưng dụng rất nhiều thợ thuyền, chuyên chở gỗ, đá, gạch ngói để xây dựng cung phủ, lâu đài. Đắp thành đất chung quanh và sai quân lính đào đá ong ở địa phương để xây thành trong. Dựng toà lầu rồng ba tầng cùng điện Thái Hoà hai dãy hành lang.
Trong thư gửi Nguyễn Thiếp, nhà vua viết:
-Trẫm nay đóng đô tại Nghệ An, cùng tiên sinh gần gũi. Rồi đây, tiên sinh hãy ra đây giúp nhau mà trị nước.
Nên nếu ông còn sống và triều Tây Sơn còn tồn tại thì có thể Nghệ An sẽ là thủ đô của nước ta.
Nguồn: (Blog Phạm Vĩnh Lộc)
1 phản hồi
HAY QUÁ