Tài liệu về vụ án “huynh đệ tương tàn” giữa vua Tự Đức với anh ruột Hồng Bảo.
***********************
Với 36 năm trị vì, Tự Đức là ông vua tại vị lâu nhất trong số 13 vua nhà Nguyễn. Làm vua trong bối cảnh xã hội rối ren, bên ngoài giặc, bên trong huynh đệ tương tàn vì ngôi báu, bản thân ông lại yếu đuối, bệnh hoạn, không con, vua Tự Đức chỉ muốn trốn tránh cuộc đời khắc nghiệt đó. Ông cho xây một lăng tẩm như một hành cung thứ hai để tiêu sầu, và đặt tên lăng là Khiêm Lăng, nghĩa là “lăng của sự khiêm tốn”. Đây cũng là nỗi phiền muộn mà sau này nhà vua phân trần trong bài “Khiêm Cung Ký” để người đời sau được rõ. Hôm nay City tour Đà Nẵng chia sẽ với bạn đọc bài viết của tác giả Bùi Thụy Đào Nguyên về vụ án nổi tiếng năm xưa giữa ông và người anh trai ruột của minh là Nguyễn Phúc Hồng Bảo, người đáng lẽ ra sẽ thừa kế ngôi vị. Tài liệu này bạn có thể lấy kiến thức khi thuyết minh thêm tại Lăng vua Tự Đức. Bạn nào muốn xem bài thuyết minh về lăng Tự Đức đầy đủ có thể xem lại trong mục Lịch Sử Văn Hóa mà City Tour từng đăng tải hoặc lên google gõ cụm từ “bài thuyết minh lăng tự đức tại huế” , click vào trang web đầu tiên.
Hồng Bảo (Ất Dậu 1825 – Giáp Dần 1854) tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Hồng Bảo là con trưởng vua Thiệu Trị, nhưng không được truyền ngôi. Sau hai lần mưu sự để giành lại ngôi vị không thành, ông bị giam và chết thảm trong ngục.
I. Tiểu sử
Hồng Bảo sinh ngày 29 tháng 4 năm 1825. Mẹ là thứ phi, con gái của Kinh Môn quận công Nguyễn Văn Nhân. Hồi còn sống trong cung được phong là Kiến Phong Công. Đại Nam chính biên liệt truyện chép: “Con trưởng (của vua Thiệu Trị) là Đinh Bảo, lúc đầu được phong Kiến Phong Công, sau phạm tội bị phế làm dân, đổi theo họ mẹ”. Tác giả Richard Orband cho biết năm Thành Thái thứ 10 (1898) Hồng Bảo mới được truy tặng là An Phong Công.
1.1 Là trưởng hoàng tử
Theo lẽ thường, sau khi vua Thiệu Trị mất, ngôi vua sẽ được truyền cho con trưởng là Hồng Bảo. Hơn nữa, vào năm 1842, Hồng Bảo được tháp tùng vua cha trong dịp tuần du ra Bắc, để cùng hiểu rõ dân tình; và năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), ít lâu trước khi băng hà, nhà vua đã cho tổ chức lễ ”đại khánh ngũ đại đồng đường”, mừng việc Ưng Đạo, con Hồng Bảo vừa mới chào đời. Trong dịp này, vua Thiệu Trị đã đích thân ẵm cháu nội Ưng Đạo trình với Thuận Thiên Hoàng thái hậu, vợ vua Gia Long. Tất cả những việc ấy, khiến Hồng Bảo rất tin tưởng mình sẽ được kế vị sau này.
1.2 Bị phế truất
Thế nhưng, khi vua Thiệu Trị mất vào ngày 27 tháng 9 năm Đinh Mùi, tức 4 tháng 10 năm 1847, “liền ngày ấy, các hoàng thân và các quan văn võ họp tại điện Cần Chánh để tuyên đọc di chiếu. Hoàng thứ hai là Phước Tuy công (tức Hồng Nhậm. Sau khi lên ngôi, lấy niên hiệu là Tự Đức) khóc lạy lãnh mạng. Di chiếu đọc chưa dứt, An Phong công (Hồng Bảo) phẫn uất thổ huyết hơn một đấu, nằm vật ngã giữa điện đình. Lúc làm lễ đăng quang, mấy người phải đỡ ông dậy, nghi lễ mới hoàn tất.”(theo Kiều Oánh Mậu , Nguyễn Khuê dẫn lại, sách ghi bên dưới, tr.210). Lý do bị phế truất, sử nhà Nguyễn chép lời trăn trối trước khi mất của vua Thiệu Trị nói với các đại thần là Trương Đăng Quế (1793 – 1865, là thầy của vua Thiệu Trị, có thế lực lớn trong triều, hiềm khích với Hồng Bảo), Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương và Lâm Duy Tiếp:
“Trong các con ta, Hồng Bảo tuy lớn, nhưng vì thứ xuất, ngu độn ít học, chỉ ham chơi, không thể nối nghiệp lớn được. Hoàng tử thứ hai là Hồng Nhậm thông mẫn, ham học, rất giống ta, đáng nối ngôi vua. Hôm qua ta đã phê vào di chiếu để trong long đồng. Các ngươi phải kính noi đó, đừng trái mạng ta!” (Đại Nam thực lục chính biên, đệ tam kỷ, quyển 72, tờ 14ab và Quốc triều chính biên toát yếu, quyển 4, tờ 41 ab). Dù vậy, Hồng Bảo không tin đây là ý vua cha mà do Trương Đăng Quế bày mưu, nên quyết chí báo thù người gây ra (trong thư đề ngày 15 tháng 1 năm 1852, giáo sĩ GaLy viết: “Hồng Bảo cũng cho sự phế lập ấy do Trương Đăng quế chủ trương, nên ông thường nói rằng ông muốn được làm vua một ngày để mổ ruột ông Quế.) và tìm cách giành lại ngôi báu.
1.3 Giành lại ngai vàng
Mưu sự lần đầu: Trong thư ngày 26 tháng 11 năm 1848, Giám mục Pellerin lúc bấy giờ đang ở Huế, viết:
“Theo tôi biết thì Hồng Bảo đã nhiều lần tìm cách lấy lại ngôi báu mà ông đáng được thừa kế, vì là con trưởng và ông đã muốn lôi cuốn những người Công giáo về phe ông bằng cách hứa hẹn với họ không những sự tự do mà còn cả ảnh hưởng của ông để biến vương quốc của ông thành (một quốc gia) Thiên chúa giáo. Tôi không biết những lời hứa hẹn ấy thành thực đến mức độ nào. Các con chiên nhiều lần đến hỏi ý kiến tôi về vấn đề ấy, tôi luôn luôn trả lời rằng chỉ nên tin tưởng ở Chúa Trời và Đức Mẹ và tôi cấm họ xen vào những việc chính trị…” (đăng trong ”Annales Propagation Foi” tập 22, 1850. L. Cadière dẫn lại trong Bulletin des Amis du Vieux Hue, tr. 213).
Ngoài ra, còn có hai giáo sĩ khác lúc bấy giờ cũng đang truyền giáo ở Huế, như Giám mục Retord, giáo sĩ Galy… đều ghi lại sự việc với nội dung tương tự trên. Như trong thư đề ngày 15 tháng 1 năm 1852, giáo sĩ Galy đã kể: “Ông (Hồng Bảo) đã nhiều lần tiếp xúc với những người Công giáo ở kinh đô, hứa cho họ hoàn toàn tự do về tôn giáo và nhiều quyền lợi khác nếu họ có cách nào giúp ông lên ngôi vua…” (đăng trong ”Annales Propagation Foi tập 25”, 1853). Trái lại, Chesneaux viết: “Hồng Bảo tìm cách khởi loạn với sự hậu thuẫn của những dân quê, đặc biệt là những dân quê Thiên Chúa giáo cùng với các giáo sĩ Tây Ban Nha mà ông giao thiệp được...”(tr. 92). ”Năm 1848, Hồng Bảo cầm đầu một cuộc dấy loạn hậu thuẫn bởi các giáo sĩ” (trong ”Contribution à l’ histoire de la nation Vietnamienne”tr.142).
Thấy không thể trông cậy vào những người Công giáo, Hồng Bảo xoay qua hướng khác…
L. Cadière kể:
“Nhưng cuối tháng giêng năm 1851, trong dịp tết âm lịch, người ta bắt ông giữa lúc đang sửa soạn trốn sang Tân Gia Ba cầu viện người Anh… Ông định tự tử, nhưng những người đầy tớ khuyên can, nên ông quyết định nhờ sự khoan dung của nhà vua. Ông mặc áo tang, xõa tóc, ẵm đứa con trưởng khoảng sáu, bảy tuổi, đi đến cung vua khóc lóc thảm thiết. Khi được vào yết kiến, ông thú nhận có ý định trốn ra nước ngoài, nhưng không phải để kêu gọi người ngoại quốc đến gây giặc giã mà chỉ vì nghèo khổ, bị bạn bè và kẻ hầu hạ khinh dễ, xa lánh…nên ông chỉ muốn đi qua Pháp để được sống như một người dân thường. Không chắc nhà vua tin những lời ấy, nhưng cảm động vì thấy anh quì dưới chân mình để van xin. Nhà vua vỗ về…hứa sẽ lo cho ông được sung túc, nhận con ông làm con nuôi và còn cho ông một trăm nén bạc và một nén vàng.”…(dẫn theo Nguyễn khuê , “Tâm trạng Tương An quận vương”, Trung tâm học liệu, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, Sài Gòn, 1974, tr. 213 – 214)
Mưu sự lần sau: Được tha, Hồng Bảo lại tìm cách lật đổ vua Tự Đức.
Trong thư khác viết vào năm 1855 (đăng trong ”Annales Propagation Foi tập 28”, 1855.) Giám mục Pellerin cho biết:
“Một hôm Hồng Bảo họp những người đồng đảng lại để uống “huyết thệ” (uống máu ăn thề). Sau buổi lễ, một số người trong nhóm ra nước ngoài, có lẽ để tuyển thêm đồng chí. Một người trong bọn trở về nước bằng ngã Xiêm và Cao Mên, có đem theo một nhà sư vừa tuyển mộ được. Vì đối đãi vói nhà sư không được chu đáo ở dọc đường, nên khi vừa về nước, nhà sư liền đi tố cáo với quan.
Quan bắt y lúc đang ngủ, trói lại, bỏ vào cũi như một con thú dữ và giải về kinh đô. Bị tra tấn, y khai tất cả..
Hoàng tử Hồng Bảo bị kết án lăng trì (còn có tên là tùng xẻo. Đây một trong những hình phạt tàn khốc thời phong kiến, giết phạm nhân bằng cách cắt chân tay, xẻo từng miếng thịt cho chết dần). Nhưng vua Tự Đức đã ân xá, đổi thành tù chung thân, giam trong một nhà ngục làm riêng cho ông… Thừa lúc một mình, ông dùng màn giường thắt cổ chết. Nhà vua cho chôn cất với một quan tài đơn sơ, không nghi lễ gì cả...”
Sách Quốc triều chính biên chép:
“An Phong Công Hồng Bảo mưu nghịch rồi thắt cổ chết trong nhà giam…Con trai, con gái đều dự vào mưu phản nghịch ấy…Trước đó Hồng Bảo vì không được lập, lòng âm mưu lạ, lén thông đồng với người Tây bị phát giác, bắt được giải về kinh xét qua đúng như vậy. Hồng Bảo trong nhà giam tự tử, con cái đều cải qua họ Đinh là họ mẹ cả” ( theo Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Bá Thế, sách đã dẫn, tr. 594).
Các bộ sử của nhà Nguyễn khác, như: Thực lục chính biên đệ tứ kỷ, Quốc triều lược biên toát yếu quyển 5, Liệt truyện chánh biên quyển 24, Bản triều bạn nghịch liệt truyện…đều có chép chuyện Hồng Bảo nhưng khá sơ sài, thiên lệch ít nhiều, thậm chí có khi mâu thuẫn nhau…Như Bản triều bạn nghịch liệt truyện ghi Hồng Bảo bị bắt, được vua ban cho “tam ban triều điển” (tội nhân được chọn một trong ba cách chết: gươm, dây thắt cổ và thuốc độc) và Bảo uống thuốc độc mà chết. Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược chỉ ghi đơn giản Bảo chết vì uống thuốc độc.
Hồng Bảo chết thảm trong nhà giam năm 1854, hưởng dương 29 tuổi.
II. Hậu quả
Năm Tự Đức thứ 19, Bính Dần (1866). Ba anh em là Đoàn Trưng (còn gọi là Đoàn Hữu Trưng, con rể Tùng Thiện Vương), Đoàn Hữu Ái, Đoàn Tư Trực cùng một số võ quan, binh sĩ và dân chúng đã nổi dậy, mưu lập con trưởng của Hồng Bảo là Đinh Đạo (tức Ưng Đạo) lên làm vua.
Cuộc mưu phản này.(Phạm Văn Sơn gọi là “vụ giặc chày vôi”, Trần Trọng Kim, gọi là “Sự phản nghịch ở kinh thành” , Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam gọi là “cuộc biến động” v.v…) thất bại, cả gia đình Hồng Bảo gồm 8 người là Đinh Đạo (Ưng Đạo), Đinh Tự, Đinh Chuyên, Đinh Tương (đều là con Hồng Bảo), Thị Thụy (vợ Hồng Bảo, mẹ Đinh Đạo) và hai đứa con Đinh Đạo (một trai, một gái) đều bị xử giảo (treo cổ).
Sử chép: “Đứa con trai của Đinh Đạo mới 3 tuổi, bị thắt cổ đến 2 lần mà vẫn chưa chết, khi bỏ vào quan tài còn khóc oa oa”(theo Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Bá Thế, sách đã dẫn, tr. 594 và Nguyễn Khuê, sách đã dẫn, tr. 215).
III. Dư luận
Hồng Bảo đã chết do thắt cổ. Điều này đã được Giám mục Pellerin thuật lại và phù hợp với đa số sách sử triều Nguyễn.
Nhưng, một nghi vấn được đặt ra: chính Hồng Bảo tự thắt cổ hay ai đó đã thắt cổ cho ông? Bửu Cầm cho đó là “một cái chết khả nghi. Người ta không tin là tội nhân tự tử mà là bị giết” (Tương An quận vương, ”Hoài Ngâm cổ”, Bửu Cầm chú thích, tr.12). Nguyễn Quang lại quả quyết rằng Trương Đăng Quế ra lệnh giết, hoặc vua Tự Đức nghe lời siểm nịnh nên giết anh. (Giặc Chày vôi của Đoàn Trưng mưu toan truất phế vua Tự Đức thế nào?”, Tạp chí ”Phổ thông” số 32, ngày 15 tháng 4 năm 1960, tr. 41; và ”Minh oan Hồng Bảo và Đoàn Trưng”, Tạp chí Phổ thông (bộ mới) số 41, ngày 1 tháng 9 năm 1960, tr. 50.).
Trong thư đề ngày 15 tháng 1 năm 1852, giáo sĩ Galy cho rằng “Trương Đăng Quế đã mưu mô thay bậc đổi ngôi để Hồng Bảo phải sống trong nghịch cảnh rồi làm liều đi đến chỗ thảm hại. Ông Quế đã đặt cạm bẩy cho Hồng Bảo rơi vào hầu có cớ thủ tiêu ông…”(đăng trong ”Annales Propagation Foi” tập 25, 1853).
Trong bài “Đoàn Hữu Trưng”, Đỗ Bang có nêu ra mấy ý:
-Hồng Bảo đáng lẽ phải được lên ngôi, nhưng bị Trương Đăng Quế và một số cận thần đổi chiếu rồi bôi bác cho Hồng Bảo là con dòng thứ, hay chơi bời phóng đảng…
-Hồng Bảo vừa là học trò vừa là bạn của Tương An quận vương (1) Tương An và Tùng Thiện vương đều là chú ruột của vua Tự Đức, qua sự kiện này, cả hai cũng rã rời theo chiều phân cực trong nội bộ hoàng tộc.
-Từ trong nội cung tung ra nhiều chuyện mỉa mai nhằm bôi nhọ Tự Đức: cho Tự Đức là con của Trương Đăng Quế. Vợ Quế đem con (tức Tự Đức) vào cung rồi đánh tráo con của Thiệu Trị hoặc Trương Đăng Quế tư thông với bà Từ Dụ mới sinh ra Tự Đức…(Danh nhân Bình Trị Thiên”, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1986, tr. 133).
Trong bài “Minh oan Hồng Bảo và Đoàn Trưng”(đã dẫn bên trên), Nguyễn Quang viết:
“Tương An quận vương là một thi hào, là chú và là thầy học của Hồng Bảo, Hồng Nhậm. Sở dĩ ngài Tương An thương mến Hồng Bảo hơn là vì ông này học giỏi. Nói một cách khác, thầy học không bao giờ lại mến thương người học trò ngu độn và ham chơi.”
Nguyễn Khuê giải thích thêm:
“Thật vậy, Tương An là người tài đức, rất thận trọng trong việc giao du. Nếu quả An Phong Công (Hồng Bảo) đúng như nhận xét của vua Thiệu Trị thì không thể nào là tri kỷ của vương được. Những bài thơ của Tương An ghi lại những kỷ niệm giữa vương với An Phong Công vô tình trở thành những bằng cớ cho phép chúng ta hoài nghi về tư cách của Hồng Bảo đã được chép trong chính sử… Lại nữa, trách Hồng Bảo ham vui chơi có lẽ không đúng, duy có một điều là Hồng Bảo giao du rộng rãi. Ông thân thiện với các nhà buôn ngoại quốc. Vì cớ ấy, một nhóm triều thần bài ngoại sợ ông về sau lên ngôi lại nhiễm văn minh Tây phương, nên lấy làm hiềm nghi và không muốn cho ông kế vị…”
Nguyễn Khuê dẫn chứng về tài văn của Hồng Bảo:
Xuân nhật phòng…(2) đắc thi nhất thủ.
Dịch thơ:
(Ngày xuân đến thăm…được một bài thơ)
Chầu về chẳng kể bóng chiều tàn,
Thả bộ đến nhà để hỏi han.
Nhớ buổi Bắc tuần theo hộ giá,
Đêm khuya chong đuốc luận thơ văn.
Về tài võ của Hồng Bảo:
Hoàng nhị tử (3)…thư trai nguyên tịch hội ẩm
Dịch:
(Rằm tháng giêng hội ẩm tại phòng sách của hoàng tử thứ hai)
…Trăng thanh, tiết đẹp năm ba bận,
Rượu đượm, thơ xuân một ít bài
Tuổi trẻ tài năng lòng những mến,
Cung thần một phát hẳn không sai…(dẫn theo Nguyễn khuê)
IV. Thông tin thêm
Tôn Thất Bình kể: Dưới thời Tự Đức, trong triều xảy ra việc Hồng Bảo mưu toan cướp ngôi, sau đó chết một cách bí ẩn trong ngục. Người đương thời cho là vua Tự Đức mưu giết anh để trừ hậu họa. Sau đó, nhân một buổi ngự thiện, Tự Đức dùng cơm vô ý cắn phải lưỡi, liền lấy đầu đề “răng cắn lưỡi” ra cho đình thần làm thơ, Nguyễn Hàm Ninh (4) dâng một bài tứ tuyệt:
Sinh ngã chi sơ, nhỉ vị sinh
Nhỉ sinh chi hậu, ngã vi huynh
Nhất đường cọng hưởng trân cam vị
Hà nhẫn tương thương cốt nhục tình.
Dịch thơ:
Ta ra đời trước, chú chưa sinh
Chú phận làm em, ta phận anh
Ngọt bùi sao chẳng cùng san sẻ
Mà nỡ đau thương cốt nhục tình?
Tự Đức xem thơ, thưởng mỗi câu một lạng vàng vì lời thơ hay, nhưng lại phạt một câu một roi vì ý thơ sâu sắc. Nhà vua hiểu Nguyễn Hàm Ninh dùng bài thơ này để ám chỉ việc mình ám hại Hồng Bảo. Thêm một bản dịch khác trong ”Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn” của Phạm Khắc Hoè:
Ta đẻ từ khi chú chưa sinh
Chú sinh sau, ta được làm anh
Ngọt bùi chẳng nghĩ cùng nhau hưởng,
Cốt nhục mà sao nỡ dứt tình?
Chú thích
(1) Tương An quận vương (1820 – 1854) tên Nguyễn Miên Bửu, là con thứ mười hai của vua Minh Mạng. Ông là người văn võ kiêm toàn nên được cử làm giáo đạo dạy hai người cháu ruột là Hồng Bảo (vai chú nhưng chỉ lớn hơn Hồng Bảo có 5 tuổi) và Hồng Nhậm, nhưng ông tương đắc với Hồng Bảo hơn. Năm 1847 Hồng Nhậm được truyền ngôi tức vua Tự Đức, còn Hồng Bảo âm mưu giành lại ngai vàng của em bị xử tội chết năm 1854. Vua Tự Đức nghi ngờ Miên Bửu có nhúng tay vào vụ đảo chánh này song không có bằng chứng buộc tội. Bị theo dõi và vì thương xót cho số phận Hồng Bảo, ông buồn rầu đóng cửa, tự giam mình trong phủ riêng, lấy thơ rượu làm khuây. Ông chết năm 34 tuổi, sau một cơn bệnh nặng (theo ”Từ điển văn học”, bộ mới, Nxb Thế giới, 2004, tr. 1166).
(2) Ba chữ Kiến Phong công bị xóa.
(3) Vì Hồng Bảo bị tội, nên phải để “hoàng nhị tử” thay vì “hoàng trưởng tử”. (giải thích của Nguyễn Khuê).
(4) Nguyễn Hàm Ninh (1808 – 1867, là nhà thơ Việt Nam, danh sĩ thời Nguyễn. Quê: làng Trung Ái, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Năm 1831, đỗ Giải nguyên, được bổ làm tri huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Sau vào Huế, làm chủ sự Tôn nhân phủ và dạy cho hoàng thái tử Miên Tông, tức vua Thiệu Trị..
Tác giả: Bùi Thụy Đào Nguyên
Với tài liệu tham khảo này, City Tour Đà Nẵng hy vọng các bạn hướng dẫn viên sẽ lưu lại cho mình những kiến thức nền tảng tốt nhất để hành nghề, giúp du khách hiểu hơn văn hóa lịch sử quê hương mình. Thân mến!
Đọc thêm các tài liệu khác tại city tour đà nẵng:
Cảm ơn City Tour bằng cách click vào ngôi sao để đánh giá bài viết: