Ý nghĩa và biểu tượng của cổng Tam Quan
Cổng Tam quan: 三關 quan có nghĩa là cổng lớn hay cửa ngỏ để đi vào một nơi nào đó (chẳng hạn Nhạn Môn Quan là cửa ngỏ nơi biên thùy nước Trung Hoa còn gọi là ải, còn “Nhạn” ở đây là do nơi đó có một vùng nước nhiều chim nhạn tụ tập). Ý nghĩa này hay được dùng trong thiền học ví dụ một tập công án thiền mang tựa đề “Vô Môn Quan” của thiền sư Huệ Khai tức cửa ngỏ đi vào Thiền mà không có cánh cửa (môn) để mở. Ngay trong lời tựa thiền sư này nói ngay: “Phật dạy tâm là tông chỉ cửa Không là cửa pháp. Ðã không cửa thì sao qua? Há chẳng nghe ‘từ cửa mà vào thì không phải là của báu trong nhà nhờ duyên mà thành đạt tất phải có thành hoại. “. Và giảng bằng bài thơ:
大道無門。千差有路
透得此關。乾坤獨步
Ðại đạo vô môn thiên sai hữu lộ
Thấu đắc thử quan càn khôn độc bộ.
(Ðạo lớn không có cửa nhưng có cả ngàn lối vào
Vượt qua được cổng này một mình đi trong trời đất).
Do vậy; Tam quan là cổng lớn (quan) chia làm ba cửa (môn) có kích thước lớn nhỏ khác nhau. Con số 3 này lấy theo thuyết Tam tài (đài tế Nam giao đắp ba tầng nền cũng theo thuyết này) Tiêu biểu cho phong cách kiến trúc tam quan tại Việt Nam là Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội. và Huế. Cổng tam quan ở Văn miếu và các tự miếu quan trọng (như Triệu miếu Thái miếu …) được dựng có lầu ở trên gọi là “Tam quan Môn Lầu” với 7 lớp cửa:bố trí theo kiểu “trùng thành tam khẩu”.
Xưa kia triều đình qui định lối giữa dành cho vua bên tả dành cho văn quan và bên hữu dành cho võ quan. Các Cổng làng vì thế luôn làm tam quan cũng vì mục đích phòng khi đón vua về ngự. Đền miếu lăng tẫm cũng theo đó mà làm như Đình Thần Thắng Tam (Vũng tàu) Đền Thờ Thần Độc Cước (Sầm Sơn Thanh Hóa) … Hình thái tam quan này mở rộng ra thành ngũ quan tiêu biểu là cửa Ngọ Môn ở cố đô Huế. Cửa chính giữa gọi là Ngọ Môn dành cho vua; hai cửa kế liền gọi là Giáp Môn dành cho quan lại còn hai cửa quanh ngoài rìa gọi là Dịch Môn dành cho binh mã.
Vì thế ca dao có câu:
Ngọ Môn năm cửa chín lầu
Một lầu vàng tám lầu xanh
Ba cửa thẳng hai cửa quanh
Chín lầu chỉ lầu Ngũ Phụng gồm 2 tầng: tầng cao nhất nằm ở giữa lợp ngói hoàng lưu ly (nên gọi lầu vàng) hai bên có 8 mái khác thấp hơn (chia làm 4 gian) lợp ngói lưu ly xanh (nên gọi lầu xanh). Con số 5 tượng trưng cho Ngũ hành và con số 9 tượng trưng cho Cửu trùng. Đặc trưng của Triết đông.
Về sau chùa chiền cũng theo khuôn phép này lập cửa tam quan để tiếp vua đi lễ Phật. Tam quan của chùa ít khi mở cổng lớn trừ những dịp có lễ lớn mới mở. Người ta lại dựa vào phong thủy chia ra cửa nhỏ bên trái (từ ngoài hướng vào) là Thanh long và cửa bên phải là Bạch hổ. Khách hành hương thường đi vào cửa trái và ra cửa phải gọi là “Nhập Thanh long xuất Bạch hổ” hàm ý rước phước đức của chùa về nhà. Sau này hình ảnh tam quan của thiền môn được tư tưởng hóa theo triết lý nhà Phật: Tam quan là ba cửa: cửa không (Không môn) cửa vô tướng (vô tướng môn) và cửa vô nguyện (vô nguyện môn) gọi chung là tam môn. Thật thú vị đường vào Phật đạo cổng có ba cửa; còn Huệ Khải bảo đi vào Thiền bằng cổng không có cửa. Hiểu thấu nghịch lý này mới thấm được vi diệu của Phật học.
Như vậy về góc độ lịch sử cổng tam quan ở chùa chiền là hình thái kiến trúc của Trung Quốc. Một số chùa chiền chịu ảnh hưởng nền văn hóa này (chủ yếu là Đại thừa và một vài chùa theo Tiểu thừa nhưng nằm trong lòng văn hóa Trung Hoa) đều xây tam quan ở chùa. Các nước Phật giáo khác không có cổng tam quan ở chùa (chủ yếu Tiểu thừa). Gần chúng ta có Thái Lan với nhiều chùa không có cổng tam quan như chùa Wat Arun ở Băng-cốc chùa Nakorn Pathom gần Băng-cốc chùa Laem Sor s small chedi ở Koh Samui Wat Phrathat ở Chiang Mai (1386). … Đi qua Myanmar thấy có chùa Shwedagon ở Yangon …; Lào thấy có chùa Wat Mai (tiêu biểu của triều đại Lanexang) That Dam stupa (thế kỷ 15)…; Cam-bốt có chùa Wat Phnom (Phnom-penh) chùa Wat Piphit (Battambang)… đều không có cổng tam quan. Điện Potala của Phật giáo Tây Tạng cũng vậy. Xa hơn tại Srilanka có chùa Jetavana ở Anuradhapura… Thêm nữa di tích Na-lan-đà hay di tích chùa Angulimala và đặc biệt ngôi chùa Đại Bồ Đề hiện còn tồn tại ở Ấn Độ không hề thấy cổng tam quan. Rõ ràng cổng tam quan là dấu ấn của Nho giáo đối với văn hóa Phật giáo.
Trong kinh điển Phật Giáo bất cứ một con số nào đều có ý nghĩa riêng của nó, thường gọi là pháp số; hai chữ Tam Quan cũng thế. Tam Quan như đã nói ở trên còn gọi là Tam Môn nghĩa là 3 cửa, cửa chùa thường xây cất theo kiểu nầy tức là cổng lớn gồm có 3 cửa đi vào. Cổng Tam Quan chùa biểu tượng cho Tam Giải Thoát Môn để vào được Niết bàn. Do đó mà cổng chùa dù xây một cửa cũng vẫn gọi là Tam Quan hay Tam Môn, nhưng hầu hết đều xây 3 cửa. Cổng tam quan còn mang ý niệm “ba cách nhìn” của Phật giáo gồm: “hữu quan”, “trung quan” và “không quan”; thể hiện cái có, cái không và trung dung của cả hai.
Kiến trúc: Cổng tam quan phần chủ yếu là ba lối đi với cửa giữa thường lớn hơn hai cửa bên. Vách cổng có thể là gỗ hay xây tường gạch hoặc đá. Phía trên lợp mái. Hai bên lối đi thường đắp câu đối, trán cửa ghi tên chùa hay tên cửa. Có 2 loại cổng:
– Cổng có gác: Cổng nhỏ chỉ làm một tầng nhưng khi dựng quy mô hơn thì nhiều nơi xây hai tầng mái hoặc xây gác bên trên. Cổng bằng gạch và đá thì gần như nhất thể đều có gác, dù có thể chỉ là gác giả để tạo chiều cao. Có nơi xây thành ba tầng. Khi thiết kế gác ở trên thì có chùa dùng nơi đó để treo chuông, khánh, và trống dùng trong nghi lễ nhà chùa.
– Cổng kiểu tứ trụ: Cổng tam quan kiểu tứ trụ thay vì xây tường vách thì dùng bốn trụ biểu, hai trụ giữa cao hơn hai trụ bên để chia thành ba lối đi. Phía trên nối liền bốn trụ biểu là xà cách điệu làm trán cổng.
Kiến trúc Tam Quan có lẽ căn cứ vào Luận Trí Độ, quyển 20: “Thí như ngôi thành có 3 cửa, một thân người không thể cùng một lúc vào cả 3 cửa, chỉ có thể vào 1 cửa mà thôi. Thật tướng các pháp là Thành Niết Bàn. Thành có 3 cửa: Không, Vô Tướng, Vô Nguyện”:
– Cửa Không (Không môn, Không Giải Thoát môn): Phải quan sát tất cả các pháp đều không có tự tánh, do nhân duyên hòa hợp mà sanh ra, nếu thông đạt được như thế thì tự tại đối với các pháp.
– Cửa Vô tướng (Vô Tướng Môn, Vô Tưởng Môn): Đã hiểu biết được tất cả các pháp đều không, liền quán đến các tướng như nam, nữ, nhất nhị… thì chắc chắn là không có thật tướng như vậy. Nếu thông đạt được các pháp đều vô tướng như thế thì xa lìa tướng sai biệt và được tự tại.
– Cửa Vô Nguyện (Vô Nguyện Môn, Vô Tác Môn, Vô Dục Môn): Cửa Không Mong Cầu, khi biết rõ tất cả các pháp đều vô tướng thì không mong cầu điều gì trong 3 cõi nữa, nếu không mong cầu thì không tạo tác các nghiệp sanh tử, nếu không có nghiệp sanh tử thì không có khổ quả báo và được tự tại.
Nói Tóm lại Cổng Tam Quan là tiêu biểu cho Ba Pháp Ấn (3 chân lý) trong Ðạo Phật. Khi chưa tu, chưa biết tu thì Ba Pháp Ấn đó là Vô Thường, Vô Ngã và Khổ. Nhưng khi tu rồi đắc pháp thì thấy Vô Thường là Thường, Vô Ngã là Thường và Khổ là Thường trở thành Ba Cửa Giải Thoát đó là Cửa Không, Vô Tướng và Vô Tác. Vì muốn chỉ cho chúng ta biết cảnh giới của Hữu Tình Không, nên Ðức Phật phải dùng Vô Thường, Vô Ngã để dẫn đến Niết Bàn Tịch Tịnh. Theo quan điểm của Ðại Thừa Ðức Phật ngài khuyến khích chúng ta phải tiến thêm một bậc nữa bởi vì Ba Pháp Ấn đó chỉ là phương tiện, để cuối cùng dẫn đến Nhất Thật Tướng Ấn chính là Pháp Không nghĩa là tất cả mọi sự vật đều Không.
Ý nghĩa thâm thúy của Cổng Tam Quan mà người đời thường gọi cửa Chùa là Cửa Không là như thế. Thật sự trong cuộc đời nầy nếu chúng ta hiểu được phần nào của Ba Pháp Ấn nầy thì cuộc sống của chúng ta sẽ vượt thoát được những đau khổ, ràng buộc, kiến chấp sai lầm..v..v..như thế cuộc sống của chúng ta chắc chắn sẽ an lạc.
Đọc qua bài viết ý nghĩa và biểu tượng cổng Tam Quan này, chắc chắn có phần hơi trừu tượng và khó nắm bắt hết được thông tin nhưng phần nào các bạn cũng có những kiến thức để có thể cấu thành bài thuyết minh về biểu tượng này.
Nguồn: Chùa Hải Quan – Diễn Đàn Trao đổi và phát triển tư tưởng Á Đông Hoàng Thần Tài.
Đọc thêm nhiều bài khác:
Vui lòng click đánh giá bài viết giúp City Tour:
Tin liên quan
Thời gian:
Phương tiện:
Thời gian:
Phương tiện: