Tài liệu thuyết minh về Bắc Đế Trấn Vũ tại Chùa Cầu – Hội An

Khi bước chân vào trong Chùa Cầu Hội An, trên bàn thờ có một vị thần đặc biệt, không phải Phật như mọi người nghĩ, vậy vị thần này là ai và có ý nghĩa gì với người Hội An, City Tour Đà Nẵng xin chia sẽ bạn đọc bài viết dưới đây:

Ở chùa Cầu Hội An, Bắc Đế Trấn Vũ (tức Huyền Đế) được thờ trang trọng ở vị trí trung tâm chánh điện của chùa với một bức tượng bằng gỗ mít. Nhiều thế kỷ trôi qua, bức tượng đã bị các loài côn trùng gặm nhấm làm hư hại một số mảng trên thân nên ngành bảo tồn ở Hội An đã phục chế một bức tượng khác để thờ tự tại chùa Cầu, còn bức tượng gốc được đưa về trưng bày và bảo quản tại Bảo tàng Hội An.

Tượng (ảnh trái) và bàn thờ Bắc Đế Trấn Vũ ở chùa Cầu, Hội An. Ảnh: V.V.H

Tượng Bắc Đế phục chế được sơn màu, thể hiện rõ nét những màu sắc tương ứng với chi tiết trên thân tượng. Y theo tượng gốc, Bắc Đế cũng đứng với phong thái uy nghi, tóc dài buông xõa, đầu đội mũ vàng nạm ngọc, râu năm chòm phất phơ bay, áo dài màu xanh buông sát đất, ngoài mặc áo giáp, chân trần đứng trên lưng một con rùa có rắn quấn quanh, hai tay cầm thanh bảo kiếm trong tư thế ấn xuống mặt biển (mặt biển là một trôn đế hình tròn, thể hiện sóng nước đang cuộn dâng).

Tương truyền vào năm 1118, hoàng đế Tống Huệ Tông (Trung Hoa) sai đạo sĩ Lâm Linh Tố lập đàn, làm phép mời Bắc Đế Trấn Vũ hiện thân. Lễ cầu đảo được tổ chức vào giữa trưa ngay trong cung điện. Vào giữa buổi lễ, trời đất tối sầm, bỗng xuất hiện một con rùa và một con rắn, Tống Huệ Tông bèn cúi lạy, dâng hương mong Thần hạ cố hiện nguyên hình thật.

Bỗng một luồng sấm sét xuất hiện, người ta nhìn thấy một bàn chân khổng lồ hiện ra trước cổng cung điện, Huệ Tông cúi lạy và lúc này Thần hiện nguyên hình là một người cao lớn hơn 10 thước, khuôn mặt nghiêm nghị, có hào quang bao quanh, tóc buông xuống lưng, chân để trần, mặc áo đen buông sát đất, ống tay áo rộng, bên ngoài có áo giáp vàng với đai lưng ngọc, trên tay cầm thanh gươm, đứng một lát rồi biến mất.

Tống Huệ Tông là vị vua nổi tiếng về hội họa, lập tức ông vẽ lại chân dung Thần. Về sau, chân dung này là hình mẫu dùng để vẽ cho những nơi có điện thờ Bắc Đế Trấn Vũ.
Tượng Bắc Đế không mang giày dép, chân đạp rùa, rắn được lý giải theo nhiều cách khác nhau. Có người cho rằng, rùa và rắn chính là những thiên tướng trên trời, dưới quyền cai quản của ngài. Còn người khác lại cho rằng, rùa và rắn chính là những con quỷ thù địch đã bị Bắc Đế đánh bại và chà dưới chân,…

Nhưng thực ra, rùa và rắn chính là hình thức đầu tiên của Thần, đã thấy xuất hiện từ thời Hán, khi người ta phân chia ra các phương cai trị của thần linh. Lúc đó, rùa và rắn màu đen làm chủ phương Bắc; còn chim đỏ ở phương Nam; hổ trắng tượng trưng cho phía Tây và rồng lục tượng trưng cho phía Đông của thế giới. Còn hình người thì về sau này người ta mới thấy xuất hiện.

Và hình ảnh “Bắc Đế Trấn Vũ chân không giày dép, đứng trên hai con rùa và rắn” thì vào đời nhà Minh, Đạo giáo ở Trung Hoa phát triển mạnh mẽ, người ta đã thêu dệt nên những câu chuyện huyền thoại về thân thế và việc tu đạo của ngài.

Người ta cho rằng, ngài là linh hồn của Ngọc Hoàng Thượng Đế hóa thân xuống trần gian để tu đạo. Ngài đã bốn lần hóa kiếp người và tu ở bốn nước khác nhau (một lần ở núi Linh Thứu, hai lần ở núi Bồng Lai và lần thứ tư ở nước Tịnh Lạc).

Trong ba lần đầu, ngài chưa đủ trí lực để điều khiển các thiên tướng dưới trướng, cũng như chưa đủ phép thuật để hàng phục yêu ma, nên lần thứ tư ngài lại xuống trần gian đầu thai làm Thái tử của nước Tịnh Lạc. Khi vừa sinh ra, được 9 con rồng phun nước cho ngài tắm. Khi lớn lên, Thái tử rất thông minh, tinh thông võ nghệ. Đến năm 14 tuổi, Thái tử dứt bỏ cuộc sống nơi hoàng cung, tìm đến núi Võ Đang tu đạo.

Suốt 42 năm, ngài một mình ngồi trên phiến đá tập trung trí lực, chăm chú tu luyện. Ngài không ăn cơm, không uống nước, làm cho dạ dày và ruột đói cồn cào nên chúng cứ sinh sự, cãi vã nhau làm cho ngài không thể ngồi yên.

Ngài liền mổ bụng, móc hết dạ dày và ruột ném xuống đống cỏ sau lưng. Ở trong đống cỏ, dạ dày và ruột ngày đêm nhìn ngài tu luyện, ngài đã trở thành một con người thần thông quảng đại, biến hóa khôn lường. Một hôm, ruột bỗng chui vào ống quần ngài và biến thành một con rắn lớn, toàn thân mang đầy vẩy rồng. Còn dạ dày thì nắm lấy giày của ngài, khoác lên lưng, lăn ba vòng và biến thành một con rùa đen, có mai cứng như sắt.

Chúng bò xuống núi ăn gà, lợn, trâu, bò, dê và cả con người dưới chân núi Võ Đang. Ngài liền cưỡi mây, đạp gió, khoác bảo kiếm đi thu phục, đè chúng dưới chân mình. Chúng bèn van xin ngài tha mạng. Ngài quy thuận và thu phục chúng làm hai tướng của mình.

Bắc Đế Trấn Vũ là vị Thần chiếm vị trí quan trọng trong tín ngưỡng của người Hoa. Hình ảnh của Bắc Đế được thờ tự rất nhiều nơi trên đất nước ta. Ở Hà Nội, việc thờ Bắc Đế gắn liền với công cuộc chống ngoại xâm của dân tộc ta; bên cạnh đó Ngài còn hiển linh giúp chính quyền phong kiến trừ diệt yêu ma, yên ổn trong quá trình xây dựng các công trình kiến trúc thành quách, dinh thự. Còn ở khu vực Nam bộ, Bắc Đế được thờ ở rất nhiều địa phương của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bởi nhiều thế kỷ trước, nơi đây còn hoang vu, lầy lội, là nơi chứa đựng nhiều huyền bí,… nên những lưu dân luôn có cảm giác sợ hãi trước thiên nhiên, họ đặt niềm tin vào các đấng Thần linh, mà điển hình là Bắc Đế Trấn Vũ – vị Thần có khả năng chế ngự yêu ma, khống chế cả những cơn lũ kinh hoàng, và cả muôn thú dữ tợn của miền đất này.

Còn ở Hội An, việc thờ tự Bắc Đế gắn liền với việc trị thủy, vì khu phố cổ Hội An nằm trên nền địa chất có nguồn gốc biển gió của vùng đất bồi hạ lưu sông Thu Bồn. Đây là một vùng đất mà địa chất có nhiều biến động, và được bao quanh bởi các con sông. Trong khi đó, sông Thu Bồn là con sông có lượng nước lớn nhất miền Trung, lại nằm gần một trong những trung tâm mưa lớn của cả nước. Hàng năm, sông Thu Bồn đổ ra biển khoảng 20km3 nước, do lượng nước lớn dồn dập trong một thời gian ngắn, cửa sông lại hẹp, làm cho bờ sông có lúc lở lúc bồi, lúc bị cắt xé từng mảng trong mùa mưa lũ. Ở Hội An, từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch thường xảy ra lũ lụt. Mỗi năm, Hội An phải hứng chịu rất nhiều đợt lũ kèm theo giông bão, mỗi khi lũ dâng, những dãy nhà ven sông thường ngập chìm trong biển nước, phải đến 3 – 4 ngày sau, thậm chí cả tuần nước mới rút. Giáo sĩ dòng Tên, người Ý là Cristophoro Borri có mặt ở Quảng Nam thế kỷ XVII, nhận xét: “…những cơn mưa liên tục từ trên triền núi cao, các dòng nước tuôn trào tràn ngập Vương quốc chảy ra đến tận biển…”.

Chính vì điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt ở Hội An, nên những cư dân ở đây không có khả năng chống đỡ trước sự tàn phá của tự nhiên. Kể từ khi đến Hội An, những thương nhân người Hoa đã trải qua những chặng đường đầy gian nan vất vả, đến vùng đất mới lại có nhiều biến động về địa chất, đối đầu với thiên nhiên khắc nghiệt càng làm cho họ thêm lo sợ, nên họ đặt niềm tin của mình vào một thế lực siêu nhiên, có khả năng ngăn chặn triều cường, điều hoà phong thổ, giúp họ thuận lợi trong việc ăn, ở và buôn bán. Quá lo sợ, họ đặt niềm tin của mình vào Bắc Đế Trấn Vũ, cầu mong thần ngăn chặn triều cường, điều hòa phong thổ, giúp họ thuận lợi trong việc ăn, ở và có thêm niềm tin trong công cuộc mưu sinh.

Tín ngưỡng thờ Bắc Đế tại Chùa Cầu chứa đựng nhiều giá trị độc đáo. Nó thể hiện cho thời kỳ Đạo giáo phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc và lan tỏa ra nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của người dân. Khi con người xuôi tay, bất lực trước những tai họa của thiên nhiên, họ không thể tự cứu rỗi mình, nên phải dựa vào một lực lượng siêu nhiên là các vị Thần linh. Trong đó, Bắc Đế Trấn Vũ là vị Thần có khả năng trị thủy, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi những cơn địa chấn diễn ra ở Hội An, ổn định về mặc phong thổ, giúp cho cư dân làm ăn buôn bán được thuận buồm xuôi gió. Trước đây, cộng đồng người Minh Hương ở Hội An thường tổ chức lễ cúng Long Chu vào ngày 20 tháng 7 âm lịch hàng năm. Lễ cúng được tổ chức thành một đám rước thuyền rồng lôi cuốn đông đảo người dân tham dự, kéo dài qua nhiều ngả phố, trong tiếng nhạc bát âm, tiếng kèn, trống rất rộn ràng, nhằm tôn vinh quyền uy của Bắc Đế Trấn Vũ. Alber Sallet – một tác giả người Pháp, đã viết về lễ hội Long Chu ở Chùa Cầu trước đây: “Lễ hội theo tập tục đó tiến hành ngày 20 tháng 7 âm lịch. Lễ hội diễn hành náo nhiệt. Trong quá trình diễn ra lễ hội đó, một chiếc thuyền bằng hàng mã lớn được trình bày ra với đủ buồm lái. Nó được đốt đi sau khi kết thúc lễ hội”.

Hiện nay tại Chùa Cầu, vào các ngày rằm, ngày mồng một, ngày tết,… cư dân Hội An đến thắp nhang trước tượng Bắc Đế, người ta chỉ làm vậy là đủ, là thể hiện sự tôn trọng, sùng bái và cầu mong sự che chở của Thần.

Tài liệu tham khảo:

– Quốc sử quán triều Nguyễn.Đại Nam nhất thống chí, bản dịch, Sài Gòn, 1964.
– Cố Hy Giai.Bồ Tát ngoại truyện(Dương Thu Ái – Nguyễn Kim Hanh dịch), Nxb. VHTT, 2003.
– Henri Maspero.Đạo Giáo và các tôn giáo ở Trung Quốc(Lê Diên dịch), Nxb. KHXH Hà Nội, 2000.
– Cristophoro Borri.Xứ Đàng Trong năm 1621(Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị dịch), Nxb. TP.HCM, 1998.
– Vương Kiến Huy, Dịch Học Kim (chủ biên).Tinh hoa tri thức văn hóa Trung Quốc, Nxb. Thế giới, 2004.
– Thích Đại Sán.Hải Ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế – Ủy ban phiên dịch sử liệu ViệtNam, 1963.
– Tác giả: Võ Văn Hoàng

Đọc thêm các tài liệu khác tại city tour đà nẵng:

1  Tham gia Group Tài liệu thuyết minh du lịch
2  Đăng ký kênh Youtube thuyết minh dành cho hướng dẫn viên
3  Ý nghĩa và biểu tượng cổng Tam Quan
4  Lịch sử hình thành 3 ngôi chùa Linh Ứng tại Đà Nẵng
5  Lịch sử chùa Tam Thai tại Ngũ Hành Sơn
6  Tài liệu Thuyết minh về tháp Xá Lợi
7  7 sự hiểu lầm về đạo Phật ở Việt Nam
8  Ý nghĩa số 7 trong đạo Phật (nằm giữa bài viết)
9  Bài thuyết minh về đại nội Huế
10  Download nhiều ebook lịch sử 
11   Lược sử về cuộc đời Phật Thích Ca.
12  Tam Thế Phật là ai và có ý nghĩa gì?
13   Những địa danh vùng miền bị thay đổi và sai lệch
14  Lịch sử thú vị của ngày lễ tình nhân
15  Tài liệu lịch sử về đảo Cù Lao Chàm
16   Tài liệu thuyết minh về sông Bến Hải – cầu Hiền Lương ở Quảng Trị
17  Tín ngưỡng thờ môn thần (thần giữ cửa) ở Hội An
18  Tour Ngũ Hành Sơn – Hội An: 440.000d/1 khách
19  Chuyện phòng the chốn hậu cung triều Nguyễn

Cảm ơn bằng cách click đánh giá bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan

Thời gian:

Phương tiện:

Giá: Liên hệ

Thời gian:

Phương tiện:

Giá: Liên hệ

Thời gian:

Phương tiện:

Giá: Liên hệ

Thời gian:

Phương tiện:

Giá: Liên hệ