Sự tích đức Phật Di Lặc
Chào bạn đọc, những bài trước City Tour Đà Nẵng đã chia sẽ tài liệu về đức Phật Thích Ca, hình tượng Tam Thế Phật, và như đã hứa trong bài viết, City Tour xin chia sẽ bài về đức Phật đặc biệt và khá quen thuộc này: Phật Di Lặc.
“Bụng to, má lúng đồng tiền
Vây quanh sáu trẻ ngửa nghiêng reo hò”
Nói về đức Phật Di Lặc chắc rằng đại đa số bạn đọc đều nhớ đến hình tượng của một ông Phật ngồi phạch ngực, mập, bụng to và miệng cười toe toét. Có khi bạn thấy bên cạnh Ngài có 6 đứa con nít, đứa thì móc lỗ tai, đứa thì móc miệng, đứa thì thọc lét v.v…nhất là trong những bức tranh treo tường hoặc trong những phong bì lì xì ngày tết. Ngày 01-01 ÂL hàng năm là ngày thánh đản của Đức Phật Di Lặc. Chính vì vậy, ngày mùng một Tết quý Phật tử đi viếng cảnh chùa, cầu nguyện, thắp nhang cầu cho gia đạo bình an, xin lộc thường thấy các chùa treo câu chúc “Mừng xuân Di Lặc”. . Để hiểu hơn về Ngài mời bạn đọc theo dõi bài viết này.
Theo truyền thuyết và kinh điển Phật giáo, Phật Di Lặc sẽ là vị Phật kế thừa Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni. Di Lặc là vị Bồ tát sẽ xuất hiện trên Trái Đất, đạt được giác ngộ hoàn toàn, giảng dạy Phật Pháp, giáo hóa chúng sinh, và chứng ngộ thành Phật. Cõi giáo hóa của Bồ Tát hiện nay là nội viên của cõi trời Đâu-suất (sa. tuṣita). Bồ Tát Di-lặc được tiên tri sẽ giáng sinh trong khoảng 30.000 năm nữa theo năm cõi trời Đâu-suất, tức khoảng 5 tỉ 760 triệu năm nữa theo năm Trái Đất, khi Phật Pháp đã bị lãng quên trên cõi Diêm phù đề. Sự tích về Phật Di Lặc được tìm thấy trong các tài liệu kinh điển của tất cả các tông phái Phật giáo (Nguyên thủy, Đại thừa, Kim cương thừa), và được chấp nhận bởi hầu hết các Phật tử như là một sự kiện sẽ diễn ra khi Phật Pháp đã bị lãng quên trên Trái Đất, và Bồ Tát Di-lặc sẽ là bậc giác ngộ Pháp và thuyết lại cho chúng sinh, tương tự như những vị Phật lịch sử đã làm trong quá khứ.
Nếu năm đức Phật xuất hiện trên Trái Đất được xem là hóa thân của Ngũ Phật thì Bồ Tát Di-lặc được xem như hóa thân của Thành sở tác trí. (Bạn đọc có thể xem lại các bài viết về Phật Giáo tại trang www.citytourdanang.com để hiểu rõ hơn và bổ sung kiến thức cho nhau trong các bài viết: Tam thế Phật là ai và có ý nghĩa gì? , Lược sử về cuộc đời của Phật Thích Ca, …. )
Sự tích về Phật Di Lặc:
Di Lặc xuất xứ từ Phạn ngữ “maitri” có nghĩa là “từ bi”. Cũng vì lẽ đó mà chúng sinh hay tụng niệm Ngài với danh xưng “Nam mô Đại Từ Di Lặc Bồ tát”. Với lòng từ bi, trí tuệ vô lượng qua ngôn ngữ và hành động, Phật Di Lặc dẫn dắt chúng ta đến nơi giải thoát. Tên của Ngài là A Dật Đa. “Kinh Phật Di Lặc” kể rằng: “Ngài sinh ở Nam Thiên Trúc, thôn Kiếp Ba Lợi, Ba Lợi Thiên Ba La Môn, xuất thân từ dòng dõi quý tộc. Sau này Ngài trở thành đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni. Phật Thích Ca Mâu Ni có di ngôn rằng, vài triệu năm sau Di Lặc sẽ là người kế tục Đức Thích Ca mà cai quản thế giới. Khi giáo lý Đức Thích Ca không còn trên thế gian này chúng sinh sẽ trải qua nhiều đau khổ bất hạnh khiến Đức Di Lặc động lòng từ bi nên thể hiện thành một vị đại sư thân tướng trang nghiêm tốt đẹp dạy chúng sinh thực hành hạnh nhân ái”.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng nói rằng: “Ngày mùng một tháng giêng là ngày kỷ niệm vía Đức Di Lặc Bồ tát và sau này Ngài sẽ là người giáo hóa ở Hội Long Hoa”. Cho nên chúng ta thường nghe câu tán thán và đảnh lễ Ngài trong những ngày đại lễ quan trọng này là “Nam Mô Long Hoa Giáo Chủ, Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật”. Câu này xác định rằng: Đức Di Lặc sẽ là vị Phật tương lai, được Đức Phật Thích Ca thọ ký cho Ngài sau khi thành Phật ở thế giới Ta bà này để tiếp tục giáo hóa độ sinh.
Nói về tương lai của Đức Di Lặc thì trong Kinh Di Lặc Hạ Sinh có chép rằng: “Hiện nay Đức Di Lặc là một trong bốn vị Bổn Xứ Bồ tát đang ở nội viên cung trời Đâu Suất, đợi đến khi thế giới này hết kiếp giảm thứ chín, đến kiếp tăng thứ mười, lúc ấy Ngài sẽ hóa thân xuống cõi trần này trong nhà của một vị Bà La Môn tên là Tu Phạm Na. Thân mẫu của Ngài tên là Phạm Na Bạt Đề. Khi sinh ra Ngài có nhiều tướng tốt, đức hạnh vẹn toàn, thông minh quán chúng, lớn lên Ngài xuất gia tu hành, đến núi Kê Túc để nhận lãnh Y Bát của Đức Phật, do Tổ Ma Ha Ca Diếp trao lại, rồi Ngài đến ngồi dưới gốc cây Long Hoa dùng Kim Cang trí trừ sạch vô minh, chứng đắc Vô Thượng Bồ đề. Sau đó, Ngài bắt đầu thuyết pháp tại Giảng đường Hoa Lâm dưới cây Long Hoa. Hội thứ nhất, độ được 96 ức người thành A La Hán. Hội thứ hai, độ được 94 ức người thành A La Hán. Hội thứ ba, độ được 92 ức người thành A La Hán. Do vậy mà gọi là Long Hoa Tam Hội. Ngài thuyết pháp đến sáu vạn năm, hóa độ vô số chúng sinh tu hành thoát khổ”.
Trong thời gian đợi chờ đến hội Long Hoa, Đức Di Lặc đã phân thân, hóa thân ở nhiều quốc độ khác nhau để giáo hóa chúng sinh. Trong Kinh thường nói rằng: “Bồ tát dĩ lợi sinh vi bổn hoài”, nghĩa là Bồ tát lấy sự làm lợi ích cho chúng sinh, làm bổn phận và trách nhiệm của mình.
Một trong những hóa thân của Ngài mà chúng ta thường nghe phổ biến đó là Bố Đại Hòa Thượng trong Phật Giáo Trung Hoa, là một vị hòa thượng tu ở chùa Lương Nhạc Lâm đất Minh Châu, huyện Phụng Hóa, Trung Hoa, pháp danh Khiết Thử, hiệu Trường Thinh Tử, viên tịch năm 917. Ngài thường mang cái đãy bằng vải đi khắp chợ búa xóm làng, ai cho gì cũng bỏ hết vào đãy mang đi. Ngài thường giảng kinh cho người nghèo, làm nhiều điều màu nhiệm, lạ thường. Trong thiên hạ không ai hiểu được Ngài là người như thế nào cả, chỉ cùng nhau gọi là vị Bố Đại Hòa Thượng (vị Hòa thượng mang túi vải lớn). Đến đời Lương, niên hiệu Trình Minh năm thứ ba, Ngài nhóm chúng lại tại chùa Nhạc Lâm, Ngài ngồi ngay ngắn nói bài kệ:
“Di Lặc Chơn Di Lặc,
Hóa thân thiên bách ức,
Thời thời thị thời nhơn,
Thời nhơn giai bất thức”
Có nghĩa là:
“Di Lặc thật Di Lặc,
Biến hóa trăm ngàn ức thân,
Thường hiện trong cõi đời,
Mà người đời chẳng ai tin biết”
Nói xong bài kệ, Ngài an nhiên thị tịch.
Vì căn cứ theo hóa thân này, nên Phật giáo Trung Hoa và Phật giáo Việt Nam, thường tạc tượng thờ Ngài với vẻ mặt hiền từ hân hoan, miệng cười vui vẻ. Ngài tượng trưng cho nguồn vui uyên nguyên và linh động chiếu sáng. Vì thế, tượng Ngài được tạc theo hình ảnh một ông Phật to lớn, mập mạp, dáng ngồi rất tự tại, áo phanh ngực ra và miệng cười rạng rỡ. Do đó, mọi người thường gọi Ngài với cái tên thân thiện ông “Nhịn mặc mà ăn” (to béo) để phân biệt với ông “Nhịn ăn mà mặc” (Tuyết Sơn gầy ốm). Trên người của Ngài còn có sáu đứa bé tinh nghịch, đứa kéo tai, đứa sờ bụng, đứa kéo áo…
Danh hiệu Di Lặc có nghĩa là Từ Thị (Thị: họ; Từ: từ bi), qua phương Tây người ta gọi Ngài là Future Buddha (Đức Phật tương lai) hay là Smile Buddha (Đức Phật hoan hỷ), vì Ngài tu tập hạnh Từ bi tam muội, tâm luôn tỏa chiếu ánh sáng của tình thương yêu trong lành, rộng lớn và phát nguyện cứu độ mọi người.
Khi lòng thương yêu tràn đầy thì sự hiểu biết chân thật chiếu sáng, cho nên tâm hồn luôn an vui tự tại trước mọi biến thiên, đổi thay trong cuộc đời.
Ngày 01-01 ÂL hàng năm là ngày thánh đản của Ngài, chính vì vậy, ngày mùng một Tết quý Phật tử đi viếng cảnh chùa, cầu nguyện, thắp nhang cầu cho gia đạo bình an, xin lộc thường thấy các chùa treo câu chúc “Mừng xuân Di Lặc”. Điều này nhằm gợi nhớ ngày thánh đản của Ngài.
Câu niệm danh hiệu của Ngài là: “Nam mô Đại Từ Di Lặc Bồ tát” hay “Nam mô Di Lặc tôn phật”.
Ý nghĩa hình tượng phật Di Lặc:
Ý nghĩa thứ nhất khi phật tử đứng trước tôn tượng Di Lặc là hướng tới một vị phật ở tương lai, phật tử muốn đặt hết hy vọng vào việc tu tập để thành phật trong tương lai.
Ý nghĩa thứ hai là hình ảnh hạnh phúc của đức Di Lặc, theo sự tích trong thiền tông về ngài Bố Đại Hòa Thượng: Một hôm Hòa thượng Thảo Đường gặp Ngài hỏi: “Đại ý Phật pháp thế nào?” Đang quảy bị trên vai Ngài liền để xuống. Vị Hòa thượng hỏi thêm: “Chỉ có thế thôi hay có con đường tiến lên?” Ngài mang cái bị để lên vai và đi. Đó là câu trả lời của Ngài. Đại ý phật pháp không có gì lạ, chỉ có một chữ xả là được. Chấp tức là chấp mình chấp người nhân, ngã, Phật pháp, quyền thế, danh vọng v.v…Tất cả đều buông bỏ thì lòng chúng ta nhẹ nhàng như quả bóng đứt dây, thênh thang như hư không bao hàm vạn tượng , vui vẻ hồn nhiên như đứa trẻ thơ nhìn vào ống kính vạn hoa . Được thế, còn gì làm ta đau khổ , còn gì khiến ta phải bực bội đắm mê .Đến đây, tâm như bể rộng bể rộng mênh mông , trời cao thăm thẳm , mặc tình thuyền bè qua lại mà không lưu lại một vết tích gì trong bể , tùy duyên trăm ngàn mây nổi mà không ngại nhau trong hư không. Như vậy cái mà buông tất cả đó là đại ý Phật pháp. Nụ cười của đức Di Lặc là nụ cười muôn thưở và không bao giờ biến đổi.
Đến đây hy vọng sẽ là những thông tin bổ ích để các bạn hướng dẫn viên cấu thành tài liệu thuyết minh về đức Phật Di Lặc và đặc biệt qua đây City Tour chắc chắn mỗi người sẽ nghiệm cho mình những ý nghĩa trong cuộc sống. Chúc các bạn luôn an lạc.
Tác giả: Nguyễn Thái Hà (Nhà sách Tịnh Liên) – GS. Cao Ngọc Lân – City Tour sưu tầm.
Đọc thêm các tài liệu hay tại city tour đà nẵng:
Cảm ơn bằng cách click đánh giá bài viết: