Những ngày cuối đời của vua Duy Tân

City Tour Đà Nẵng xin chia sẽ đến bạn đọc một bài viết rất hay về vua Duy Tân của tác giả Võ Quang Yến trong cuốn sách Gửi Về Huế Thương, qua đây bạn đọc có thể hiểu nhiều hơn về vị vua đặc biệt này.

Vua Duy Tân lên ngôi lúc 7 tuổi

Có thể chia làm ba giai đoạn đời sống vua Duy Tân – Hoàng thân Vĩnh San : thứ nhất là giai đoạn làm vua và chống Pháp ở Huế, đoạn nầy đã được lịch sử ghi nhận và ghi chép trong sử sách ; thứ nhì là giai đoạn lưu đày và kháng chiến ở đảo La Réunion, tôi đã có dịp trình bày trong một bài báo trước đây ; thứ ba là giai đoạn quân đội và chính trị vào buổi cuối đời, đây là giới hạn của bài nầy. Tôi không phải là sử gia, không phải là người chuyên khảo về lịch sử, lại cũng không có tham vọng viết bài sử ký, chỉ là một con dân Việt Nam tò mò, muốn biết sâu xa về đời sống một vị vua yêu nước đặc biệt trong lịch sử, tìm đọc trong sách báo, so sánh, đối chiếu và viết lại đây những gì đã thoát ra theo tôi có thể tin được. Hy vọng rồi đây các sử gia sẽ tìm ra nhiều tài liệu còn đáng tin hơn và đó là mong ước của tôi.
Tháng 11 năm 1942, vài ngày sau khi cập bến ở Saint-Denis, chiếc khu trục hạm Léopard rời đảo La Réunion, đem theo một thủy thủ chuyên về vô tuyến điện : Hoàng thân Vïnh San. Sau 26 năm biệt xứ, ông không còn là một ông vua bị truất ngôi nữa mà là một công dân Pháp trên đường đi làm nghĩa vụ. Trong những năm lưu đày, mặc dầu chính quyền thuộc địa đã phế vị ông, ông luôn hướng lòng mình về nước Pháp vì những khái niệm độc lập, tự do, bác ái đã làm phấn khởi một người duy tâm như ông. Nước Pháp đã nuôi dưỡng không những trí thông minh của ông mà còn linh hồn, tâm tình ông. Ông đã có giải thích : “Nước Pháp đã giúp tôi đạt được tinh thần Danh dự và lòng Trung thành với một lý tưởng “. Không nản chí vì bị từ chối khi xin vào quốc tịch Pháp hay khi xin nhập ngũ, ông vô cùng phấn khởi khi bắt được lời kêu gọi của Tướng De Gaulle ngày 18 tháng 6 năm 1940. Trở nên linh hồn nhóm kháng chiến ở đảo La Réunion, ông hoàn toàn thỏa mãn lúc được nhận làm thủy thủ trên chiếc khu trục hạm Léopard. Nhưng sự việc không giản tiện. Duyên nợ của ông với đảo La Réunion chưa dứt. Ba tuần sau, nhân chiếc Léopard trở lại vài giờ ở đảo, người ta thả ông xuống đất. Thật ông vì sức khoẻ kém, không quen sóng biển, không chịu đựng nổi đời sống trên tàu, hay người ta sợ nhân ghé qua một hải cảng nào, ông bỏ trốn đi tìm tự do.

Không vào được hải quân, ông ngoảnh mặt về lục quân. Bắt đầu từ đây, trái với lúc trước, ông năng đi lại với Phủ Thống đốc. May cho ông, ông Capagorry, Thống đốc mới, rất hiểu ông và hai người trở nên bạn thân. Ông Capagorry giới thiệu ông với mọi quan khách ghé qua đảo, trong số ấy có Tướng Lelong cũng trở nên bạn thân. Tin cậy vào tình cảm thân Pháp của Hoàng thân, đánh giá cao tính cương trực của ông, lại được Tướng De Gaulle tin cậy, ông Capagorry ủng hộ hoàn toàn ước mong của ông và không đầy một năm sau, ngày 3 tháng 1 năm 1944, ông vào đồn Lambert với quân phục binh nhì để rồi thăng chức hạ sĩ quan một tháng rưởi sau. Mặc dầu điều kiện nhập ngũ là ông không được trực thuộc một đơn vị nào ngoài đảo La Réunion, thời cơ đã giúp ông thực hiện mộng lớn. Một tiểu đoàn khoảng 1500 quân gốc xứ An Nam, trên đường giải ngũ về nước, hiện bị quân Anh giữ lại ở Moramanga bên nước Madagascar, khích động nổi dậy, không chịu phục vụ ai nữa, dù Anh, dù Pháp, theo Pétain hay theo De Gaulle. Tướng Lelong, Tư lệnh quân đội ở Ấn Độ Dương, nghĩ ngay đến Hoàng thân Vĩnh San. Khi Hoàng thân bước vào đồn ở Madagascar, mọi người bật cười : mảnh khảnh trong một bộ quân phục quá lớn, túi dết trên vai, với cái mủ képi tụt xuống quá mắt, ông lết bết trong đôi dày quá rộng, thật quả là anh lính quê. Tướng Lelong chỉ có thể phong ông đến chức chuẩn úy nhưng từ đây ông ăn mặc được chỉnh tề hơn. Còn bên phía quân binh thì lâu ngày chẳng ai nhận ra Cựu hoàng Duy Tân. Tuy vậy với tiếng tăm ông vua ái quốc, tự lấy mình làm gương, mặc dầu hết còn nói thạo tiếng Việt, ông thành công thuyết phục được quân binh lập lại trật tự trong hàng ngũ. Có phải từ đây mà bắt đầu nổi lên ý kiến đưa ông về ngôi cũ, thay thế lá bài Bảo Đại đang bị lung lay ? Không khi nào thoái vị, trong óc nhiều người, ông vẫn luôn còn là Hoàng đế Việt Nam…

Ngày 29 tháng 8 năm 1944, ông đệ trình Phủ Thống đốc một bản tuyên ngôn phản kháng Nhật Bản chiếm đóng Đông Dương, tỏ ra cử chỉ của một vị lãnh đạo : ” Tôi, Hoàng thân Vïnh San, hậu duệ của Hoàng đế Gia Long, người khai lập Vương quốc An Nam, tuyên bố Đông Dương, đặc biệt dân tộc An Nam, là liên kết với nước Pháp qua khế ước mà danh dự và quyền lợi buộc phải giữ toàn vẹn… Tất cả những ai tha thiết với quyền lợi ở xứ An Nam không thể chấp nhận ý nghĩ từ bỏ cuộc bảo hộ của Pháp để mưu cầu một cuộc bảo hộ của Nhật chỉ có thể đem lại nô lệ và thống trị trong lúc Pháp dẫn đường đến giải phóng… ” Khi chuyển bản tuyên ngôn nầy về Paris, ông Thống đốc Capagorry phê thêm vào Hoàng thân Vïnh San tình nguyện phục vụ ở mặt trận để tôn trọng danh dự của tổ quốc, một ông Hoàng An Nam luôn giữ lời hứa và luôn tin tưởng ở nước Pháp và ông hoàn toàn ủng hộ lời thỉnh cầu của Hoàng thân. Thông điệp không được trả lời. Trong những lá thư gởi cho bạn bè, Hoàng thân tỏ ra nóng lòng nhưng luôn theo dõi chiến trận và tin tưởng một ngày mai ông cũng sẽ được ra trận. Ông có lý luôn lạc quan vì ngày 5 tháng 5 năm 1945, ông đuợc gọi nhập ngũ, ở Pháp lục địa như ông hằng mong muốn. Có điều ngày 8, Đức quốc xã đầu hàng, hết còn mặt trận, tuy vậy ông cũng sung sướng được phục vụ nước Pháp trong quân đội. Ngày 10 tháng 6, ông gởi một bản hiệu triệu về dân tộc của ông qua làn sóng đài Tananarive : ” Khi đồng bào thực hiện được một quốc gia trong tâm hồn, khi đồng bào đã tự tay mình xây dựng nên một Tổ quốc, lúc ấy đồng bào mới đi đến độc lập, một nền độc lập dành được mà không cần nhờ cận ai, do dân tộc ý thức được tầm quan trọng về nhiệm vụ mình chứ không phải đạt được từ những phân tranh của các cường quốc… ” Đến Paris tháng 6, ông được bổ dụng ngày 20 tháng 7 vào Bộ Tham mưu D.I.C. số 9 ở bên Đức, theo nguyên tắc sẽ lên đường đi Viễn Đông để khôi phục lại tình thế nhằm vào lúc Nhật chắc sẽ phải đầu hàng. Ở Đức, ông phải đi thực tập khắp nơi, tập trận lục quân, chiến xa, liên thanh cũng như học tập thăm dò, quan sát từ máy bay,… để rồi bị bỏ quên nếu không thỉnh thoảng phải diễn thuyết trình bày tình hình Đông Dương cho những sĩ quan cao cấp sắp lên đường qua bên ấy ! Qua thư gởi cho bạn bè, đặc biệt cho ông bạn rất thân là Etienne Boulé, giáo sư triết học, lúc đó điều khiển Phái đoàn Thông tin Đông Dương ở Radio-Tananarive, ai cũng thấy ông rất chán buồn và nản lòng cho đến đầu tháng 10 thì được triệu về Paris…

Trong thời gian nhập ngũ của ông, nhiều biến cố đã xảy ra. Sau ngày 9 tháng 3, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, vua Bảo Đại tuyên bố hủy bỏ hòa ước bảo hộ của Pháp, mời cụ Trần Trọng Kim thành lập một chính phủ thân Nhật rồi qua ngày 25 tháng 8 thoái vị và nhường quyền cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau ngày Nhật đầu hàng Đồng Minh. Khi thấy vua Bảo Đại trở thành Hoàng thân Vĩnh Thụy nhận chức Cố vấn cho chính phủ Hồ Chí Minh, các nhà chức trách Pháp không tin cậy ở vị Cựu hoàng nầy nữa. Ngày 16 tháng 8, Tướng De Gaulle bổ nhiệm Đô đốc Thierry d’Argenlieu Cao ủy đồng thời chuẩn bị một đạo quân gồm có nhiều binh đoàn từ Pháp, Đức, Madagascar để tái chiếm Đông Dương dưới sự điều khiển của Tướng Leclerc. Với một sư đoàn thiết giáp, Tướng nầy đổ bộ Sài Gòn ngày 5 tháng 10 thay thế quân đội Anh đã được Đồng Minh ủy nhiệm tước khí giới Nhật ở miền Nam Đông Dương. Nhiều câu hỏi được đặt ra : Ai sẽ là đối tượng bên phía Việt Nam ? Nên thành lập một nuớc cộng hòa hay vẫn nên giữ chính thể quân chủ ? Cái tên Hoàng thân Vĩnh San luôn được nhắc đến. Ngay Đô đốc Decoux, Toàn quyền Đông Dương, cũng đã bày tỏ ý kiến : ” Sự phục chế Hoàng đế An Nam sẽ trả lại cho dân tộc ông một yếu tố truyền thống trật tự và hoà bình. Đây không phải là một thí nghiệm mà là một sự tất yếu “. Người ủng hộ mạnh dạn nhất giải pháp Vĩnh San là ông bạn Boulé. Từ Madagascar, ngày 11 tháng 6, ông gởi về bộ Thuộc địa ở Paris một bản tường trình rất dài trong ấy ông kê tất cả những điểm tích cực : Hoàng thân là một người tin chắc dân chủ, thật tình bạn của nước Pháp, hoàn toàn tán thành Tướng De Gaulle, uy tín quốc vương hợp pháp vẫn còn nguyên vẹn, lại đã được giáo dục để nắm giữ những chức vụ cao cấp. Nhưng bộ Thuộc địa trả lời ngày 4 tháng 7 là tình thế Đông Dương không cho phép khai thác giải pháp Vĩnh San và, hơn nữa, yêu cầu ông Boulé chấm dứt mọi hoạt động trong chiều hướng nầy.

Trong suốt mùa hè 1945, Hoàng thân Vïnh San theo dõi kỹ những sự kiện thời sự nầy. Trước yêu cầu khẩn khoản của bạn bè ở La Réunion và Madagascar, vào khoảng tháng 5, ông cho ra một bản gọi là Di chúc chính trị trong ấy ông tuyên bố những nguyên tắc lập chính phủ gồm có ba điểm chính : thống nhất ba kỳ, độc lập hoàn toàn và liên minh chặt chẽ với Pháp. Ông yêu cầu Pháp phải tỏ ra có thiện chí muốn thực sự giúp nước ông phát triển, cử chỉ trước tiên là xóa bỏ biên giới ba kỳ. Một nước phải thống nhất mới có được một lý tưởng, một linh hồn. Ông tin dân tộc ông ngả về dân chủ, tuy cũng nhận xét dân chúng chưa được huấn luyện để tự cai trị, một nước cộng hoà chỉ có thể thực hiện sau một thời gian giáo dưỡng cấp tốc. “Cần phäi trang bị cho họ một lý tưởng quốc gia lịch sử, trả lại cho họ lòng tự hào sẵn có từ thuở trước, cung cấp cho họ quan điểm trọng đại của sự thống nhất, một chương trình canh tân chính trị và xã hội có xu hướng xã hội chủ nghĩa ôn hòa liên hợp với truyền thống. Riêng phần tôi, tình thương sâu đậm nước tôi cấm tôi để thả lỏng cho bất cứ một phân tranh nội bộ nào. Tôi ước mong tất cả những người An Nam nhận thức lại mình có một Tổ quốc và ý thức ấy thúc đẩy đồng bào xây dựng một quốc gia xứng đáng với Tổ quốc ấy. Tôi tin tưởng đã làm đủ phận sự người An Nam của tôi khi nào tôi đã cống hiến cho những dân quê Lạng Sơn, Huế, Cà Mâu một tinh thần huynh đệ. Bất chấp sự đoàn kết ấy được thực hiện trong một chính thể cộng sản, xã hội, bảo hoàng, quân chủ, cốt yếu là tránh bị cắt xẻ. Người Pháp phải nhất quyết biết cho là bất cứ trong trường hợp nào tôi cũng hành động cho lợi ích dân tộc tôi cũng như cho lợi ích dân tộc Pháp”. Theo nhà sử học Philippe Devillers, bản di chúc nầy đặc biệt được trung úy Bousquet mang sang Đông Dương, in và phát, được một số người ủng hộ, đứng hàng đầu có bác sï Nguyễn Văn Tân ở Sài Gòn, một sĩ quan gốc Việt là thiếu tá Paul Lang, người sáng lập Đảng Tự trị. Nhờ vậy, Hoàng thân Vĩnh San có lần đùa khoe : “Bộ tham mưu của tôi đã có sẵn tại chổ”. Vẫn biết vào thời buổi ấy, bộ Thuộc địa không muốn nghe nói đến danh từ độc lập, nhưng những người theo dõi sát thời sự, kể cả các sĩ quan như Tướng Leclerc, đều hiểu thời đại thuộc địa đã qua và thống trị cũng như quản lý trực tiếp phäi nhường chỗ cho tự trị và hợp tác. Đằng khác, quan niệm chính trị mới là phải bảo đảm tiến triển của quần chúng bản địa với sự hợp tác và phương tiện của những người lãnh đạo cổ truyền. Theo họ, Hoàng thân Vĩnh San thuộc loại những người lãnh đạo nầy vì là người nối nghiệp trực tiếp và hợp pháp một dòng dõi nhiều quốc vương đã dựng lên nước An Nam từ đó thừa kế những truyền thống của cả một triều đại.

Tư tưởng của Hoàng thân Vĩnh San thấy ra vượt quá bản tuyên bố của Tướng De Gaulle ngày 24 tháng 3 cùng năm 1945, theo phân tích của giáo sư Paul Mus, báo trước những nét chính của một cuộc xung đột. Trong bản nầy, người dân Đông Dương sẽ được đối xử như người Pháp, không chút kỳ thị, dễ dàng đạt đến mọi chức vụ, sẽ được hưởng thụ tất cả những quyền tự do dân chủ và nhất là một chế độ tự trị tuyệt đối nhưng trong một Liên bang năm nước với một chính phủ do một vị Toàn quyền chủ trì, nghĩa là thuộc Pháp. Với một cơ quan hành chánh trực tiếp, bộ Thuộc địa không rút ra được một bài học nào từ những diễn biến lịch sử, cũng như từ sự thao diễn các tư tưởng những năm sau nầy và muốn trở lại với chủ quyền của Pháp như xưa. Khi Hoàng thân trở về Paris, may cho ông, ông không phải làm việc với bộ Thuộc địa mà hồ sơ của ông được ông Thống đốc De Langlade ở Văn phòng Tướng De Gaulle theo dõi. Thiếu tá De Langlade trước đây đã tổ chức cục Action (Hành động) nhắm mục đích phá hoại và quấy rối quân đội Nhật ở Đông Dương, nhảy dù xuống bắt liên lạc với Tướng Mordant thân De Gaulle và sau đó làm người liên lạc giữa Đô đốc Decoux và Chính phủ Alger. Ông đã tìm hiểu Hoàng thân qua giáo sư Pierre Eugène Thébault, trong rất lâu là Đổng lý Văn phòng ông Thống đốc Capagorry và là bạn thân của Hoàng thân. Ông Thébault dặn kỹ : ” Coi chừng, nếu các ông đặt lại Vĩnh San lên ngôi, các ông sẽ có một đối tượng trung thành, đáng tin cậy nhưng ông ta sẽ không phải là một ông vua vô tích sự : ông ta muốn tự mình cầm quyền, tự mình quyết định. Ông ta có cái chất thủ trưởng và muốn trở nên thủ trưởng… ” Thành quả đầu tiên là Hoàng thân nhận được sắc lệnh, từ tay Tướng De Gaulle ký ngày 29 tháng 10 năm 1945, lần lượt phong Vĩnh San những chức Thiếu úy ngày 5 tháng 12 năm 1942, Trung úy ngày 5 tháng 12 năm 1943, Đại úy ngày 5 tháng 12 năm 1944 và Tiểu đoàn trưởng ngày 23 tháng 9 năm 1945. Ai cũng có thể tưởng tượng nỗi hân hoan của Hoàng thân, hảnh diện được ban thưởng sau những ngày đau khổ, đợi chờ. Và ông cũng không quên ơn những bạn bè đã luôn giúp ông trong suốt giai đoạn khó khăn.

Ngày 14 tháng 12, ông được Tướng De Gaulle tiếp. Vị anh hùng giải phóng nước Pháp đã viết trong hồi ức : ” Hoàng thân là một nhân vật đầy nghị lực. Ba mươi năm lưu đày không xóa bỏ ký ức một vị quân vương trong tâm hồn dân tộc An Nam”. Theo ông Thébault kể lại, hai người rất mau thỏa thuận với nhau trên những quan điểm cốt yếu mặc dầu Tướng De Gaulle tuy tán thành sự thống nhất ba kỳ, chưa chịu dứt khoát chấp nhận. Bên phía Hoàng thân thì nhất quyết không chịu nhượng bộ về điểm nầy. Ông đã thấy trở về lại vai ngôi cũ của mình. Ông mơ thấy phấp phới ở Huế, Hà Nội, Sài Gòn song song lá cờ tam tài của Pháp và lá cờ Việt Nam với ba sọc tượng trưng cho ba kỳ. Ông tin tưởng ở một cuộc liên minh giữa hai nước, cả quân sự lẫn ngoại giao dù chỉ có tính cách tạm thời. Quân đội, hải quân, không quân sẽ tốn kém hằng tỷ bạc mà một nước nghèo không thể đòi hỏi thuế má ở dân chúng, trái lại cần xây dựng trường ốc, bệnh viện, cầu đường, đê đập. Ông tin cậy ở những nhà tư bản Pháp và không hề nghĩ cuộc hợp tác nầy có thể gây tổn hại cho nền độc lập đất nước. Dù sao, theo ông sẽ có những hiệp định ký kết giữa hai bên. Riêng về bản thân ông, sẽ không có lễ đăng quang, thụ phong, lên ngôi vì ông luôn còn là quốc vương… Trong hai buổi gặp gỡ Việt kiều trong khuôn khổ Hội Ái hữu An Nam ở Paris, có mặt các vị Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo, Võ Văn Thái , Trần Hữu Chương,… ông cố gắng trình bày quan điểm hợp tác với Pháp của mình. Trong buổi thứ nhì, với một bộ quân phục sang trọng lối dạo phố, vai mang bốn lon thiếu tá, ông báo tin đã “được người Pháp giúp đỡ thành lập một đạo quân toàn người Việt Nam, với mục đích sẽ đi tiền phong trong một cuộc hành quân tái chiếm Đông Pháp. Hiện nay đạo quân nầy do ông cầm đầu và tuyển mộ được một tiểu đoàn. Tiểu đoàn nầy được đem sang đóng ở Constanz, bên Đức”. Linh mục Cao Văn Luận, người đã được ông cậy tổ chức hai cuộc găp gỡ đó, sợ Hoàng thân đã bị mắc mưu người Pháp muốn dùng ông như một lá bài. Hoàng thân đề xướng ra phong trào Cờ Tự trị, dự định tổ chức các Việt kiều thiện cảm với ông thành một đảng. Linh mục thấy quá rõ là nỗ lực của Hoàng thân sẽ thất bại : những thành phần ưu tú cho ông quá dễ dãi với Pháp, bắt đầu xa lánh ông. Huyền thoại ngày xưa của ông chỉ lôi cuốn được một số nhỏ người dễ tin, phần lớn là lớp lính thợ, lính khổ đỏ hay Việt kiều gốc lính thợ ở lại lập nghiệp trên đất Pháp. Nghe nói trong các trại, những đảng viên Cờ Tự trị có thể bị thủ tiêu rồi chôn ngay tại chỗ…

Không biết Hoàng thân đã cảm nhận gì vì hôm 17 tháng 12, trong bửa cơm tối với ông Thébault, trái với mọi khi, ông có vẻ buồn rầu, lo lắng, mang thêm một linh cảm đen tối. Ông sợ bị trúng một quả bom hay bị một lát dao khi trở về lại nước ông : ai có định mệnh nấy, không sao tránh khỏi ! Hoàng thân trách nước Anh chống việc ông trở về nước (một ý kiến sau nầy được Tướng De Gaulle chia sẻ) và còn thêm : “Tôi có linh tính sẽ không bao giờ lên lại ngôi vua”… Dự định qua Đông Dương với Tướng De Gaulle khoảng tháng 3 năm sau, ông xin về La Réunion thăm gia đình và bạn bè. Chiếc máy bay Lockheed Lodester, kiểu C-60, mang số F.BALV của Hệ thống Hàng không Pháp, chở sáu hành khách, ông là một trong hai quân nhân, hôm 26 tháng 12 năm 1945, lúc 18 giờ rưởi, trên khúc đường bay Fort-Lamy đi Bangui, rơi xuống làng Bossako, huyện M’Baiki, tỉnh Lobaye, vùng Oubangui-Chari. Máy bay bị gãy hủy hoàn toàn, tất cả hành khách cùng ba phi công đều thiệt mạng. Một tai nạn hay có cuộc ám sát ? Ông Boulé, bạn thân của Hoàng thân nghi là có người muốn giết Hoàng thân, hứa màn bí mật sẽ được kéo lên sau khi ông mất, nay ông đã quá cố từ 1964 chẳng nghe nói gì. Hồ sơ tai nạn ghi nhận máy bay không tìm ra đường băng sân bay, chỉ còn ít xăng, bay lên phía bắc tìm chỗ ít cây để cho máy đậu xuống thì vì sương mù, chạm phải chòm cây. Các chuyên viên đặt câu hỏi tại sao có ít xăng trong máy, tại sao máy bay cất cánh chậm để đến Bangui vào lúc trời tối không liên lạc với nhau được qua vô tuyến điện ? Biết bao câu hỏi có lẽ sẽ không bao giờ được trả lời.

Hoàng thân Vĩnh San mất đi vào tuổi 46 theo định mệnh như ông đã từng nói. Ván cờ của Tướng De Gaulle mất đi con cờ chính và Hoàng thân Vïnh San vĩnh viễn không trở lại ngôi vua như ông đã được linh tính báo cho biết. Trên mộ ông ở M’Baiki, một tấm bảng ghi những lời ông muốn : ” Tôi ý thức đã phụng sự nước Pháp cũng như đã phụng sự nước tôi “. Sau nầy, chính phủ Việt Nam ” chủ trương đưa hài cốt Duy Tân về Huế nơi 70 năm trước cựu hoàng dào dạt chí khí của người thanh niên yêu nước Việt Nam, đã rời ngai vàng đi chiến đấu”, theo lời của giáo sư Phạm Huy Thông. Và hôm 6 tháng 4 năm 1987, hài cốt của Vua Duy Tân – Hoàng thân Vĩnh San đã được đặt vào ngôi lăng ở Huế đúng như mong ước của ông. Gần một nửa thế kỷ sau khi ông mất, ngày 5 tháng 12 năm 1992, trong bài diễn văn đọc nhân lễ khánh thành đại lộ Vĩnh San ở thành phố Saint-Denis bên đảo La Réunion, ông Thị trưởng Gilbert Annette đánh giá ông : “Với một tính cương trực không có chút điểm yếu, Hoàng thân Vĩnh San tiếp tục trung thành suốt đời với những phẩm giá như sự trung thực và sự bảo vệ những chính nghĩa. Nhân danh và trong lòng tôn trọng những nguyên tắc ấy , ông đã không ngần ngại gia nhập cuộc chiến đấu của nước Pháp Tự do và sẵn sàng đáp ứng tiếng gọi của Lịch sử nếu cuộc đời còn dành thì giờ cho ông “. Trong lời đề tặng sách cho tôi, Hoàng thân Claude Vïnh San tức Nguyễn Phúc Bửu Vang viết : “Một khúc đoạn lịch sử, một chốc lát vĩnh hằng… Thân ái “. Lịch sử dù là khúc đoạn ngắn ngủi cũng sẽ tồn tại đời đời.

Tác giả: Võ Quang Yến ( trích trong sách “Gửi Về Huế Thương”)

Với tài liệu tham khảo này, City Tour Đà Nẵng hy vọng các bạn hướng dẫn viên sẽ lưu lại cho mình những kiến thức nền tảng tốt nhất để hành nghề, giúp du khách hiểu hơn văn hóa lịch sử quê hương mình. Thân mến!

Đọc thêm các tài liệu khác tại city tour đà nẵng:

1  Tham gia Group Tài liệu thuyết minh du lịch
2  Tài liệu thuyết minh về văn hóa người Champa tại Việt Nam
3  Ý nghĩa và biểu tượng cổng Tam Quan
4  Lịch sử hình thành 3 ngôi chùa Linh Ứng tại Đà Nẵng
5  Lịch sử chùa Tam Thai tại Ngũ Hành Sơn
6  Tài liệu Thuyết minh về tháp Xá Lợi
7  7 sự hiểu lầm về đạo Phật ở Việt Nam
8  Ý nghĩa số 7 trong đạo Phật (nằm giữa bài viết)
9  Bài thuyết minh về đại nội Huế
10  Download nhiều ebook lịch sử 
11   Lược sử về cuộc đời Phật Thích Ca.
12  Tam Thế Phật là ai và có ý nghĩa gì?
13   Những địa danh vùng miền bị thay đổi và sai lệch
14  Lịch sử thú vị của ngày lễ tình nhân
15  Tài liệu lịch sử về đảo Cù Lao Chàm
16   Tài liệu thuyết minh về sông Bến Hải – cầu Hiền Lương ở Quảng Trị
17  Tín ngưỡng thờ môn thần (thần giữ cửa) ở Hội An
18  Lịch sử về Rừng Dừa Bảy Mẫu tại Hội An
19  Tour Huế 1 ngày từ Đà Nẵng
20  Chuyện ăn uống của các vua Nguyễn
21  Chuyện phòng the của vua Nguyễn
22  Ý nghĩa của việc chắp tay trong đạo Phật
23  Thuyết minh về Bắc Đế Trấn Vũ tại Chùa Cầu Hội An
24  Lược sử đạo Thiên Chúa Giáo
25   Tour phố cổ Hội An 1 ngày: 440.000 vnd/1 khách
26  Tài liệu lịch sử Chùa Cầu ở Hội An
27  Tài liệu thuyết minh lịch sử Phu Văn Lâu ở Huế
28  Ý nghĩa niên hiệu của các vị vua triều Nguyễn
29  Lịch sử cuộc đời 13 vị vua triều Nguyễn
30  Lịch sử nhà thờ Chính Tòa Đà Nẵng
31   Tài liệu về phong thủy kinh thành Huế
32  Tài liệu về phong thủy đặc biệt của Đà Nẵng

Cảm ơn City Tour bằng cách click vào ngôi sao để đánh giá bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *