Nguồn gốc và ý nghĩa của cây nêu ngày tết

Hôm nay City tour Đà Nẵng xin chia sẽ đến bạn đọc bài viết về một hình ảnh rất quen thuộc đó là cây Nêu. Từ xưa nay, cứ đến chiều 30 tháng Chạp, mọi nhà đều dựng nêu, đón Tết. Đối với người dân Việt Nam, hình ảnh cây nêu ngày Tết được coi là biểu tượng văn hóa thiêng liêng nhất. Cây nêu gắn liền với một sự tích huyền thoại thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc.

“Cu kêu ba tiếng cu kêu
Trông mau đến tết dựng nêu ăn chè…”

Một sự tích độc đáo:

Theo truyền thuyết và Phật thoại, xa xưa, Người và Quỷ cùng sống trên mặt đất. Quỷ cậy mạnh chiếm đoạt toàn bộ đất đai và bắt Người đi làm thuê cho chúng với những điều kiện ngày càng khe khắt – nhất là trò “ăn ngọn cho gốc”. Theo đó, mùa gặt lúa đến, Quỷ lấy hết phần ngọn (những bông thóc), còn Người chỉ được phần gốc rạ. Phật thương Người, mách bảo Người đừng nên trồng lúa mà trồng khoai lang.

Mùa thu hoạch ấy Người lấy hết củ, Quỷ chỉ được dây và lá khoai! Quỷ tức tối, mùa sau qui định lại là “ăn gốc cho ngọn”. Phật mách Người nên trồng ngô. Người làm theo và lại thắng (vì bắp ngô ở khoảng giữa thân cây). Uất ức, Quỷ tịch thu toàn bộ ruộng đất, không thuê người trồng cấy gì nữa.

Phật bảo Người đến thương lượng với Quỷ để mua một miếng đất chỉ bằng bóng chiếc áo cà sa. Người sẽ trồng một cây tre, trên đó mắc áo cà sa, đất của Người là phần đất giới hạn bởi bóng áo ấy. Quỷ nghĩ chẳng đáng là bao nên đồng ý và hai bên giao ước: đất trong bóng áo của Người, ngoài bóng áo của Quỷ.

Khi Người trồng xong cây tre, Phật đứng trên ngọn tung áo cà sa toả thành một miếng vải tròn, rồi hoá phép cho cây tre cao vút lên mãi. Bóng áo nhờ vậy càng ngày càng lan rộng, lấn nhanh vào đất của Quỷ khiến chúng phải dắt nhau lùi mãi và cuối cùng chạy ra biển Đông.

Quỷ tập hợp lực lượng phản công hòng chiếm lại đất. Cuộc chiến diễn ra rất ác liệt. Biết quân của Quỷ sợ máu chó, lá dứa, tỏi, vôi bột nên Phật và Người sử dụng những thứ ấy làm vũ khí. Quỷ đại bại, bị Phật bắt đày ra biển Đông. Chúng van xin Phật hàng năm cho chúng vào đất liền và phần mộ tổ tiên vài ba ngày. Phật thương tình đồng ý.

Vì thế, hàng năm cứ đến Tết Nguyên Đán (dịp Quỷ vào đất liền), người ta lại trồng cây nêu để Quỷ không dám đến nhà quấy nhiễu. Trên ngọn cây nêu, treo khánh đất nung (mỗi khi có gió rung thì phát ra tiếng kêu, nhắc Quỷ nghe mà tránh), buộc thêm lá dứa, cành đa… đuổi Quỷ. Ngoài ra người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía Đông và rắc vôi bột để cấm cửa Quỷ. Như vậy, câu nêu đã trở thành biểu tượng của sự đấu tranh giữa cái thiện và ác nhằm bảo vệ cuộc sống bình an của con người.

Nhưng ý nghĩa sâu sắc:

Sự tích cây nêu diễn tả sinh động cuộc đấu tranh quyết liệt của con người chống lại những thế lực đen tối để giành quyền sống, quyền tự do cho mình. Qua đó còn ca gợi trí thông minh và tinh thần yêu lao động, khẳng định chiến thắng tất yếu của cái Thiện đối với cái Ác… Trồng cây nêu đã trở thành một tục lệ Tết phổ biến của các dân tộc Việt Nam: từ Việt, Thái, Mường đến Ba Na, Gia Rai…

Trên ngọn nêu thường treo túm lá dứa lông gà, cành đa, lá thiên tuế, những chiếc khánh và con cá bằng đất nung, cùng một tán trong bằng tre nứa dán giấy đỏ, có nơi còn treo những chiếc, đèn lồng, đèn xếp hoặc vài xấp tiền, vàng mã… Dù với dụng ý khác nhau, nhưng những vật treo đều tượng trưng cho những nội dung hướng về sự bảo vệ con người, tạo lập hạnh phúc cho con người.

Ví như lá dứa để doạ ma quỷ (vì ma quỷ sợ gai!), không cho chúng vào quấy phá nhà. Cái khánh đồng âm với khánh – có nghĩa là phúc: năm mới đem lại hạnh phúc cho gia đình. Cành đa tượng trưng cho điều lành và tuổi thọ. Tiền vàng mã để cầu tài, cầu lộc. Lông gà là biểu tượng chim thần (một sức mạnh thiên nhiên giúp người).v.v..

Đặc biệt, cây nêu còn được coi là cây vũ trụ – nối liền Đất với Trời. Tán tròn bằng giấy đỏ tượng trưng Mặt trời và ngọn nêu là nơi chim thần (sứ giả của mặt trời) đậu. Cuối năm (cuối mùa đông) mới trồng cây nêu để vươn lên đón ánh nắng xuân, sức sống xuân…

Sự thể hiện đa dạng:
Mỗi nơi có một cách chọn, trồng, trang trí… riêng cho cây nêu. Người ta thường trồng cây nêu vào ngày 30 tháng chạp: miền Bắc hay trồng lúc buổi trưa, miền Trung buổi chiều và miền Nam khoảng chạng vạng chiều tối.

Theo chương XIX (viết năm 1961) cuốn lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài của Alexandre de Rhodes cho biết thì ở miền Bắc “trồng cây nêu vào cuối năm, trồng bên cạnh nhà, một cột nêu cao hơn nóc nhà, trên ngọn buộc một cái thúng hay một cái hộp nhỏ có đục nhiều lỗ, bên trong đựng thoi vàng giấy, bạc giấy để cha mẹ quá cố vào cuối năm có thể trả nợ khi cần thiết”.

Cuốn Những năm ở Nam (viết khoảng thế kỷ XVIII) của Jean Koffler có đoạn miêu tả cây nêu miền Trung và miền Nam thời đó: “Trước cửa phủ chúa và các nhà dân đều dựng cây nêu lớn, trên ngọn buộc một trùm cây lá xanh (cành thiên tuế)… hoặc trên ngọn nêu còn buộc một ít vàng bạc giấy, một số rơm con và một lẵng hoa trong để mấy đồng tiền… Những người theo đạo cơ đốc cũng được cha đạo cho phép trồng nêu, nhưng không được buộc những thứ kể trên”.

Còn cuốn Gia Định thành công chí (viết đầu thế kỷ XIX) của Trịnh Hoài Đức lại cho biết ở Nam Bộ “vào ngày trừ tịch nhà nào nhà cũng trồng một cọc tre trước cửa, trên đầu cột buộc một cái giỏ tre trong đựng trầu cau và vôi, bên cạnh treo giấy vàng, giấy bạc, gọi là đựng nêu”…

Có nơi, cây nêu chỉ đơn giản là một cây tre hoặc một nhánh tre, không treo gì cả, có nơi, cây tre đủ ngọn, cao ngất, treo bày nhiêu thứ. Ở xã Chu Phan (Mê Linh – Vĩnh Phúc), trên cây nêu người ta buộc chiếc chổi xể – cầu mong quét sạch mọi điều rủi ro đi!

Ở xã Tứ Xã (Phong Châu – Phú Thọ), trên cây nêu lại treo vỏ ốc – cầu mong sự đông vui, nhiều con cháu, đồng thời người ta còn rắc vôi bột hình cung tên trên sân và làm con chó giấy đặt bên cổng để xua đuổi ma tà. Ở Kẻ Rị, Kẻ Chè thuộc xã Thiệu Trung (Đông Sơn – Thanh Hoá), cây nêu dựng cùng với việc rắc vôi bột hình cung tên (bắn đuổi quỷ) và hình cày bừa trước cửa (cầu mong nghề nông phát đạt).v.v…

Đặc biệt, ở xã biển Xuân Hội (Nghi Xuân – Hà Tĩnh), dân sống trên thuyền cắm cây nêu không phải bằng tre mà bằng… lau, dài chừng 1,6 – 1,7cm, để một lá, treo hai nén vàng mã và 2 hoặc 3 lá vàng mã. Còn dân trên bờ vẫn dùng cây nêu tre, nhưng trên ngọn tre buộc cây lau và bộ đồ vàng mã (gồm 1 lá vàng, 1 nén vàng và 1 áo).

Cây nêu được dựng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, là ngày Táo quân về trời, với quan niệm rằng từ ngày 23 cho tới đêm giao thừa, vắng mặt Táo công, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu. Ngày dựng cây nêu gọi là thượng nêu, và ngày 7 tháng giêng âm lịch, làm lễ hạ nêu.

Nguồn: Admin www.citytourdanang.com sưu tầm

Đọc thêm các tài liệu khác tại city tour đà nẵng:

1  Tham gia Group Tài liệu thuyết minh du lịch
2  Đăng ký kênh Youtube thuyết minh dành cho hướng dẫn viên
3  Ý nghĩa và biểu tượng cổng Tam Quan
4  Lịch sử hình thành 3 ngôi chùa Linh Ứng tại Đà Nẵng
5  Lịch sử chùa Tam Thai tại Ngũ Hành Sơn
6  Tài liệu Thuyết minh về tháp Xá Lợi
7  7 sự hiểu lầm về đạo Phật ở Việt Nam
8  Ý nghĩa số 7 trong đạo Phật (nằm giữa bài viết)
9  Bài thuyết minh về đại nội Huế
10  Download nhiều ebook lịch sử 
11   Lược sử về cuộc đời Phật Thích Ca.
12  Tam Thế Phật là ai và có ý nghĩa gì?
13   Những địa danh vùng miền bị thay đổi và sai lệch
14  Lịch sử thú vị của ngày lễ tình nhân
15  Tài liệu lịch sử về đảo Cù Lao Chàm
16   Tài liệu thuyết minh về sông Bến Hải – cầu Hiền Lương ở Quảng Trị
17  Tín ngưỡng thờ môn thần (thần giữ cửa) ở Hội An
18  Lịch sử về Rừng Dừa Bảy Mẫu tại Hội An
19  Tour Huế 1 ngày từ Đà Nẵng
20  Chuyện ăn uống của các vua Nguyễn
21  Chuyện phòng the của vua Nguyễn
22  Ý nghĩa của việc chắp tay trong đạo Phật
23  Thuyết minh về Bắc Đế Trấn Vũ tại Chùa Cầu Hội An
24  Lược sử đạo Thiên Chúa Giáo

Cảm ơn bằng cách click đánh giá bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan