Tài liệu thuyết minh về Rừng Dừa Bảy Mẫu.
City tour Đà Nẵng xin chia sẽ đến bạn đọc về tài liệu lịch sử của một khu du lịch nổi tiếng đang được nhiều du khách và các công ty lữ hành quan tâm đó là Rừng dừa bảy mẫu, bài viết đã được City Tour sưu tầm và viết lại từ nhiều nguồn trong đó nguồn chính là của tác giả Quảng Văn Quý thuộc trung tâm QLBT di tích Hội An. Các bạn hướng dẫn viên có thể dùng nguồn tin này để thuyết minh về rừng dừa 7 mẫu.
Tên thường gọi là Rừng Dừa Bảy Mẫu hoặc là Căn cứ địa Cách mạng Rừng Dừa Bảy Mẫu. Rừng dừa Bảy Mẫu là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, được ví như “Miền tây trong lòng phố Hội” với không gian xanh mát của bạt ngàn dừa nước, trải rộng tới tận Cửa Đại. Bằng đường bộ có thể đến di tích theo cách: Từ trung tâm thị xã Hội An theo đường đường Cửa Đại đi về phía đông khoảng 3km, gặp ngã 3 đường Cửa Đại- Đê ngăn mặn xã Cẩm Thanh rẽ phải theo đường đê đi khoảng 2km qua 3cống lớn, đến cống thứ 4 là địa phận khu di tích Rừng Dừa Bảy Mẫu.
Từ trung tâm thị xã có thể đi đến di tích bằng nhiều phương tiện giao thông đường thủy và đường bộ. Di tích Rừng dừa Bảy Mẫu nằm ở phần hạ lưu của 2 con sông lớn của Quảng Nam: Thu Bồn và Sông Cổ Cò trước khi đổ ra Cửa Đại. Rừng dừa nước này đã có từ lâu đời, phân bố trải rộng qua các thôn 1,2,3 xã Cẩm Thanh.
Lịch sử cách mạng rừng dừa Bảy Mẫu:
Rừng Dừa Bảy Mẫu hiện nằm ở thôn Thanh Tam Đông và thôn Thanh Nhứt xã Cẩm Thanh, cách trung tâm thành phố Hội An về phía Đông Nam khoảng 5km. Đây là nơi “hội thủy” của ba con sông lớn ở Quảng Nam đó là Thu Bồn, Trường Giang, sông Đế Võng (sông Cổ Cò chảy qua Hội An gọi là sông Đế Võng) trước khi đổ ra Cửa Đại. Với địa hình là một rừng dừa nước ngập mặn, kín đáo, sông nước bao bọc nên rất thuận lợi cho việc phát triển chiến tranh du kích. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Thị ủy Hội An đã chọn nơi đây làm căn cứ địa cách mạng để chiến đấu chiến thắng kẻ thù với nhiều chiến công vang dội. Tuy nhiên trải qua thời gian tồn tại khá lâu nên hầu hết các công trình này đã không còn.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng du kích địa phương đã lợi dụng địa hình kín đáo của Rừng dừa Bảy Mẫu, tổ chức nhiều trận đánh bất ngờ, đánh bại những trận càn của địch với qui mô hiện đại, có cả pháo binh, không quân yểm trợ. Tiêu biểu, năm 1948, thực dân Pháp dùng lực lượng bộ binh có sự yểm trợ của xe tăng tấn công vào Rừng dừa nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta. Lực lượng du kích địa phương đã bí mật, bám sát địch, dùng lựu đạn ném vào thùng xe làm cho bọn địch hoảng sợ, bỏ dở trận càn mà quay đầu rút về Hội An.
Nhiều lần càn quét bất thành, thực dân Pháp đã bắt nhân dân ở các xã đến phát quang, làm trắng khu vực Rừng dừa Bảy Mẫu nhằm làm cho lực lượng vũ trang của ta không còn nơi trú ẩn. Nhưng kẻ địch đã không đạt được ý đồ, chỉ sau một thời gian, rừng dừa lại phát triển xanh tươi. Nhiều lúc, trong thế không tương xứng về lực lượng, nhưng du kích địa phương đã dựa vào Rừng dừa đánh bại nhiều trận càn của địch, gây cho chúng nhiều tổn thất.
Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, năm 1954, hiệp định Giơnevơ được ký kết, chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm đã tiếp quản Quảng Nam và chúng đã gây ra nhiều cuộc thảm sát đẩm máu như ở Vĩnh Trinh, Chợ Được. Tại Hội An, chúng đã tổ chức các đợt truy quét “Tố cộng”, “Diệt cộng” ngày đêm truy lùng Cộng sản. Trong giai đoạn khó khăn nhất của cách mạng, một lần nữa Rừng Dừa Bảy Mẫu trở thành nơi che chở, trú ẩn cho nhiều cán bộ cách mạng của Thị ủy Hội An và Tỉnh ủy Quảng Nam .
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Rừng dừa Bảy Mẫu cũng đã trở thành căn cứ vững chắc, nơi che chở, bảo tồn lực lượng vũ trang của ta để chiến đấu chiến thắng kẻ thù. Và cũng trong khoảng thời gian này, Rừng dừa Bảy Mẫu lại gắn liền với những sự kiện lịch sử và những chiến công vang dội của quân và dân Hội An nói riêng và nhân dân Quảng Nam nói chung.
Thực hiện chủ trương “diệt ấp” “phá kèm”, mở rộng vùng giải phóng của Tỉnh ủy Quảng Nam, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng Hội An, đêm 27/9/1964, nhân dân Cẩm Thanh đã đứng lên nhất tề đồng khởi. Với kế nghi binh dùng súng bẹ dừa, hành quân rầm rộ, làm cho quân địch nhầm tưởng bộ đội chủ lực về giải phóng Cẩm Thanh. Trong thế địch hoang man, hốt hoảng, quân ta đã đánh úp đồn phòng vệ dân sự của địch, bắt gọn 1 trung đội nghĩa quân và nhiều tên ác ôn đưa ra trước đồng bào xét xử, tuyên bố giải phóng hoàn toàn Cẩm Thanh. Chiến thắng nhanh chóng của cuộc “đồng khởi” bằng súng bẹ dừa, “mang hơi thở Rừng dừa Bảy Mẫu” đã đi vào lịch sử cách mạng của quê hương Hội An như một huyền thoại.
“Đứng lên bằng súng bẹ dừa
Quê ta đồng khởi Mỹ thua nguỵ nhào”.
Bắt đầu từ năm 1965, chủ trương của ta phát động phong trào xây dựng làng chiến đấu và các căn cứ cách mạng nhằm chuẩn bị tinh thần chống lại các trận càn quét của địch. Dọc theo 2 tuyến Rừng dừa Bảy Mẫu, hệ thống hầm, hố, chướng ngại vật cản đường, hệ thống giao thông hào, các lớp hàng rào bằng nhiều loại vật liệu cũng được xây dựng trên các lối vào thôn xóm, các bãi chông tre, hầm chông đủ loại, bãi chông chống máy bay, đang sẵn sàng ngăn bước tiến của quân thù vào vùng giải phóng Cẩm Thanh. Phía Bắc của Rừng dừa, căn cứ xã Tiếp cũng được xây dựng, xa hơn là hệ thống phòng thủ từ xa của Thị đội Hội An. Ở phía Nam, các chốt điểm khu vực nhà bà Mận cũng được xây dựng, trở thành những điểm trú quân và chặn đánh địch từ phía Nam. Các chốt điểm này được xây dựng thành hệ thống phòng thủ của ta có qui mô tương đối lớn có cả các hầm chống pháo, xưởng chế tạo vũ khí, nhà hậu cần, các láng trại trú quân, hầm bí mật … Các công trình này được xây dựng bán kiên cố, được nguỵ trang kĩ lưỡng để chống các trận không kích của địch. Những địa điểm đóng quân của ta đều giáp với Rừng dừa Bảy Mẫu, tạo điều kiện đảm bảo để lực lượng của ta rút lui an toàn trong những tình thế cấp bách. Với cách bố trí quân và các công trình quân sự như vậy, quân ta dễ phòng thủ và có thể lợi dụng sự kín đáo của rừng dừa tổ chức các trận tập kích bất ngờ nhằm tiêu hao sinh lực địch.
Năm 1966, sau khi Mỹ đưa quân vào miền Nam, chúng bắt đầu tiến hành các cuộc càng quét với qui mô lớn vào vùng giải phóng Cẩm Thanh. Rừng dừa Bảy Mẫu là một trong những mục tiêu mà địch đặt ra. Vào ngày 13/6/1966, sau khi nã pháo tới tấp vào vùng giải phóng Cẩm Thanh, địch đã huy động 4 đại đội hỗn hợp Mỹ nguỵ gồm 1000 tên, 28 lược máy bay trực thăng đổ quân, tiến vào đánh phá vùng giải phóng Cẩm Thanh và khu vực Rừng dừa. Ngoài lực lượng bộ binh được trang bị vũ khí hiện đại, địch còn có sự yểm trợ của 5 thuyền máy gắn đại liên và sự hỗ trợ pháo tầm xa của các đồn lân cận. Sau ba ngày chiến đấu dằn co giữa ta và địch, lợi dụng sự che chở của rừng dừa, quân ta tổ chức nhiều đợi phản kích gây cho địch nhiều tổn thất, bẻ gãy trận càn quét lần này của địch.
Liên tiếp từ tháng 10 – 1966 về sau, địch tổ chức các chiến dịch “Bình Thanh”, sau các trận càn quét lớn, địch đốt tất cả các nhà dân, bắt nhân dân ở khu vực tiếp giáp với Rừng dừa về các khu trại tập trung nhằm thực hiện ý đồ “Tát nước bắt cá”. Trong thời điểm ác liệt này, lực lượng du kích địa phương và bộ đội Thị xã đã mất đi hậu phương, nên phải tự túc lương thực thuốc men. Và một lần nữa Rừng dừa Bảy Mẫu đã trở thành mái che vững chắc cho lực lượng cách mạng, sau những trận chống càn, những lúc yên tiếng súng, bộ đội và du kích lại đánh bắt cá, tôm trong rừng dừa nước để tự túc lương thực trong những tháng ngày khốn khó, tiếp tục chiến đấu chiến thắng quân thù.
Tháng 9 – 1967, lực lượng du kích địa phương và bộ đội thị xã Hội An đã ngâm mình trong Rừng dừa nước, mở những trận tập kích xuất quỹ nhập thần, tiếp tục bẻ gãy một trận càn quét lớn của địch có không quân, pháo binh và hải thuyền của duyên đoàn 14 hải quân yểm trợ. Từ đây, Rừng dừa Bảy Mẫu đi vào lịch sử quê hương như một khu tử địa, làm mồ chôn thây giặc.
Từ những năm 1967, cho đến ngày Hội An toàn thắng, Rừng dừa Bảy Mẫu đã trở thành nơi trú ẩn an toàn, nơi bảo tồn lực lượng cách mạng của thị xã Hội An, làm cho Cẩm Thanh trở thành bàn đạp quan trọng của phía Đông để quân ta xuất kích, tiến đánh nội ô Hội An, với những trận thắng lẫy lừng, góp phần cho Hội An hoàn toàn giải phóng, kết thúc 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ở đây còn lưu truyền câu ca như nhắc nhớ một thời oanh liệt.:
“Sông sâu, bót giặc, khu dồn
Rừng dừa Bảy Mẫu và Cồn Kiện xưa”
Cho đến hôm nay, mặc dù các công trình phòng thủ, chiến đấu của ta ở Rừng dừa Bảy Mẫu không còn nữa nhưng những cây dừa với sức sống mãnh liệt vẫn phát triển xanh tươi như hiện hữu, ghi dấu những chiến tích hào hùng của quân và dân Hội An trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Rừng dừa Bảy Mẫu là nơi thể hiện trí thông minh, sáng tạo của quân và dân ta trong việc lợi dụng địa hình, địa vật để xây dựng căn cứ địa cách mạng chiến đấu, chiến thắng kẻ thù, lập nên những chiến công tiêu biểu cho phương châm đánh giặc: “Lấy yếu thắng mạnh, lấy ít thắng nhiều”.
– Hiện nay vẫn còn một số ảnh tư liệu về các sự kiện lịch sử cách mạng ở Rừng Dừa Bảy Mẫu vẫn đang được lưu giữ tại Trung Tâm Quản lý Bảo tồn Di tích và Ban Tuyên giáo Thị uỷ Hội An. Rừng dừa Bảy Mẫu là khu di tích có giá trị lịch sử đặc biệt. Bên cạnh đó, Rừng dừa Bảy Mẫu với hệ sinh thái độc đáo là một rừng dừa ngập nước là nơi sinh sống của nhiều loại động thực vật làm cho di tích trở thành một thắng cảnh tự nhiên đẹp, sông nước hữu tình. Trong thời gian đến, Rừng dừa Bảy Mẫu sẽ được chính quyền Thị xã Hội An qui hoạch tôn tạo thành một điểm du lịch phục vụ cho du khách xa gần muốn tham quan nghiên cứu.
Du lịch rừng dừa Bảy Mẫu hiện nay:
Rừng dừa Bảy Mẫu có hệ sinh thái ngập mặn gần biển trù phú, là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài động vật có giá trị, nhất là tôm, cua, cá và các loài động vật thân mềm, cùng một số loài chim. Nơi đây còn đóng vai trò như một máy lọc sinh học, giúp làm trong sạch nguồn nước. Đến với khu du lịch sinh thái rừng dừa Bảy Mẫu, sẽ là dịp để bạn hòa mình vào không gian trong lành, và tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị như:
– Tour du lịch rừng dừa Bảy Mẫu bằng thuyền thúng, tự tay hái trái dừa nước, xem ngư dân trình diễn lắc thúng, múa hát bả trạo; Thử trổ tài câu cua, quăng chài bủa lưới bắt cá như một ngư dân thực thụ.
– Theo kinh nghiệm du lịch rừng dừa Bảy Mẫu, bạn có thể ghé vào các tiểu khu sinh thái ở đây như Tuấn Liên (Hội An Eco Discovery), Khoa Trần (JackTran’s Eco-tours)… chơi các trò chơi dân gian kéo co, đi cầu khỉ, nhảy bao bố, bịt mắt đập niêu vui nhộn; Trượt cáp, chèo xuồng, kéo ró, thư giãn câu cá trên những căn chòi lợp lá mát rượi; Đạp xe, hay ngồi lắc lư trên xe trâu dạo quanh làng quê yên bình…
– Hơn nữa thì thử làm ruộng cùng nông dân xứ Quảng, cưỡi trâu cày bừa, cấy, hái, giã gạo từ cối đá lấy gạo nấu cơm, xay bột nước làm bánh… Học nấu các món ăn dân dã miền quê, thưởng thức sản vật vùng cửa biển…
* Giá vé rừng dừa Bảy Mẫu :
Hiện tại đến thời điểm này (09/2017) tại đây chưa thu phí tham quan. Du khách chi trả theo các loại tour rừng dừa Bảy Mẫu. Vừa qua, Nghị quyết có nội dung thống nhất cho Hội An thực hiện phương án bán vé Khu Di tích lịch sử Rừng dừa Bẩy Mẫu, Cẩm Thanh theo hướng giao cho UBND xã Cẩm Thanh thực hiện do HĐND tỉnh ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018. Theo đó, giá vé cho khu du lịch này là 30.000đ/vé/khách.
Nguồn:
– Lịch sử đảng bộ thị xã Hội An (1930 – 1975).
– Sách Hội An thị xã anh hùng.
– Lịch sử Đảng Bộ xã Cẩm Thanh (1930-1975) (Bản Thảo)
– Lời kể của những nhân chứng lịch sử. (Hiện đang lưu trữ tại Trung tâm QLBT di tích Hội An)
– Quảng Văn Quý (Trung Tâm QLBT di tích Hội An)
Đọc thêm các tài liệu khác tại city tour đà nẵng:
Cảm ơn bằng cách click đánh giá bài viết: