Tài liệu thuyết minh về lịch sử nhà thờ Chính Tòa (con Gà) Đà Nẵng
Thưa quý khách! trong các chương trình tour du lịch tại Đà Nẵng, không phải lúc nào quý khách cũng có ghé thăm một điểm tham quan tại Đà Nẵng khá đặc biệt này, không chỉ ấn tượng với du khách bởi kiến trúc cổ kính đặc sắc, mà còn chứa đựng khá nhiều ý nghĩa với rất nhiều du khách nhất là với những du khách theo đạo Công Giáo. Hôm nay City Tour Đà Nẵng xin giới thiệu đến quý khách về lịch sử xây dựng cũng như kiến trúc đặc biệt Nhà Thờ Con Gà Đà Nẵng, ngôi thánh đường duy nhất thời Pháp thuộc được xây tại Đà Nẵng
Nhà thờ con gà Đà Nẵng là nhà thờ chính tòa của Giáo phận Đà Nẵng ở miền Trung Việt Nam, tọa lạc tại 156 đường Trần Phú, phường Hải Châu I, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, gần với khu vực chợ Hàn, nơi mua sắm khá nổi tiếng của thành phố. Ngôi thánh đường này có nhiều tên gọi: Nhà Thờ Chánh Tòa, Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, còn gọi là Nhà thờ Con Gà, nhà thờ Tourane (thời Pháp).
Nhà thờ này được khởi công từ tháng 2 năm 1923 trên khoảng đất trống đường Rue du Musée (nay là đường Trần Phú) do linh mục Vallet thiết kế và chủ công xây dựng, là một trong những công trình được xây dựng trong thời gian rất ngắn, Nhà thờ được xây dựng vào tháng 2/1923 và chỉ trong một thời gian ngắn sau đó đã hoàn thành phần mặt tiền (tháng 9/1923) đến ngày 10 tháng 3 năm 1924 đã làm lễ cung hiến và khánh thành. Với tốc độ xây dựng chóng mặt nhưng nhà thờ này vẫn tráng lệ trong con mắt của mỗi người nhìn thấy nó.
Trên nóc nhà thờ, ở vị trí cột thu lôi có tượng một con gà màu xám làm bằng hợp kim dùng làm vật xác định hướng gió. Vì vậy mà nhà thờ này còn có tên là nhà thờ Con Gà. Bên trong con gà xám làm bằng hợp kim nên nhẹ và rỗng, được tráng phủ một lớp hoá chất đặc biệt, hơn 70 năm chưa được sơn phủ bảo vệ, mà vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.. Tại Cột thu lôi,có 1 đế bầu tròn đỡ con gà và chữ thập chỉ bốn hướng đông – tây – nam – bắc sau nhiều năm đã được sửa chữa, thay mới vài lần. Người dân bản xứ truyền tai rằng con gà là đài dự báo thời tiết hiện đại, con gà quay chiều nào là gió mưa, là nắng tạnh. Thực ra vì con gà ở trên cao, để phòng gió tạt gãy đổ người ta đã thiết kế cho nó quay hướng theo chiều gió, và thế là con gà quay hướng nào, gió hướng ấy. Còn tại sao lại là con gà? Theo giải thích của Cha xứ, con gà này không phải là biểu tượng của nước Pháp, mà là biểu tượng của sự sám hối, thức tỉnh theo Thánh kinh giảng: Chúa quở trách Phê-rô (một trong 12 tông đồ của Người): “Thầy bảo thật anh, đêm nay, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy hai lần, thì chính anh, anh đã chối Thầy ba lần”- Mt 26: câu 35
Với lối kiến trúc theo kiểu Gothic, đặc trưng là những đường nét cao và những vòng cửa quả trám, mặt bằng nhà thờ có hình dáng chữ thập. Nhà thờ Lớn có mái vòm cao gần 70m, Bên trong nhà thờ có các tranh ảnh và tượng Chúa minh họa theo thánh kinh bài trí theo dạng mỹ thuật nhà thờ Thiên Chúa giáo phương Tây. Trên những khung cửa kính bên trong nhà thờ thể hiện những sự kiện trong sách Kinh Thánh cũng như phản ảnh sự giao thoa về vắn hóa Việt và Pháp nói riêng và văn hóa phương Tây nói chung.
Theo tư liệu của nhà thờ và gia phả tộc Võ ở làng Kim Bồng, Hội An, với phác thảo tổng thể của Cha cố Vallet, nhiều chủ thầu xây dựng đến rồi đi. Cuối cùng, giữa năm 1922, ba anh em nhà họ Võ ở Kim Bồng đã nhận thầu xây dựng với giá 20.000 đồng. Họ huy động cật lực nhân công và nghệ nhân Kim Bồng, có lúc công trường có tới 300 người, hơn 5.000 cây tre để làm giàn giáo-làm tới đâu thiết kế kết cấu tới đó. Công đầu thuộc về ông em kế Võ Văn Vinh (1898-1960). Phụ trách kế toán và ngoại giao là ông em út Võ Xuân Dương (1900-1947); chủ công trình Trung phạt Bắc và cả Lào, từ nhà ở, bệnh viện, cầu đường, thuỷ lợi đầu bảng miền Trung thời ấy, phải kể tới ông anh cả nghệ nhân Võ Hồ Kiệm (1892 -1972). Do có nhiều công trình xây dựng đóng góp cho sự phát triển của đất nước, ông Kiệm được vua Khải Ðịnh sắc phong là Hàn lâm viện Kiểm thảo và thưởng Ðệ ngũ Ðẳng long Bội tinh. Công trình nhà thờ Con Gà Ðà Nẵng được tặng thưởng Huân chương của Toà Thánh La Mã.
Ngày 18 tháng 01 năm 1963, Đức Cha Phêrô Maria, Giám mục Qui Nhơn được bổ nhiệm làm giám mục tiên khởi giáo phận Đà Nẵng, và ngày 01 tháng 5 năm 1963 giáo phận Đà Nẵng được thành lập, nhà thờ này được chọn làm nhà thờ Chánh tòa Đà Nẵng, nhưng tên gọi nhà thờ Con Gà vẫn phổ biến nhất với người trong vùng.
Hang đá Đức Mẹ nằm phía sau góc phải nhà thờ mô phỏng theo hang đá Đức Mẹ Lộ Đức (bên Pháp) được xây dựng năm và khánh thành ngày 11 tháng 02 năm 1940, thời linh mục Santuaire (Cố Bính).
Đà Nẵng không chỉ có những cây cầu đẹp, không chỉ có những khu du lịch thơ mộng mà còn có những công trình kiến trúc cổ xưa rất độc đáo và ấn tượng. Nhà thờ Con Gà Đà Nẵng là một trong số đó, là điểm đến mà du khách không nên bỏ lỡ khi đi tham quan Đà Nẵng. Với kiến trúc mang đậm dấu ấn Pháp, nhà thờ Con Gà Đà Nẵng xứng đáng điểm đến nổi bật của du lịch hành hương Đà Nẵng nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung. Hiện này tại Việt Nam có ba nhà thờ “Con Gà” nổi tiếng: Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt, nhà thờ Chính tòa Đà Nẵng và nhà thờ Huyện Sỹ ở Sài Gòn.
Nguồn: Giáo xử chính tòa Đà Nẵng – Admin www.citytourdanang.com sưu tầm và viết lại.
Với tài liệu tham khảo này, City Tour Đà Nẵng hy vọng các bạn hướng dẫn viên sẽ lưu lại cho mình những kiến thức nền tảng tốt nhất để hành nghề, giúp du khách hiểu hơn văn hóa lịch sử quê hương mình. Thân mến!
Đọc thêm các tài liệu khác tại city tour đà nẵng:
Cảm ơn City Tour bằng cách click vào ngôi sao để đánh giá bài viết:
Tin liên quan
Thời gian:
Phương tiện:
Giá: Liên hệ