Tài liệu thuyết minh vị thế phong thủy đắc địa của Đà Nẵng
Ai cũng biết Đà Nẵng có sông, có núi, có biển nhiều vị trí thuận lợi và cũng vì thế nhiều bạn hướng dẫn viên khi thuyết minh về Đà Nẵng thường thuyết minh chung chung về vị địa lý, con người,thời tiết, lãnh đạo, những điều đặc biệt về Đà Nẵng… nhưng các bạn không hề biết rằng đằng sau đó Đà Nẵng có một vị thế đặc biệt đắc địa về vị trí phong thủy. Hôm nay City Tour Đà Nẵng chia sẽ bài viết về chủ đề này mà ít bạn nào từng nghe để các bạn có thêm cái nhìn khác về thành phố đáng sống này và hơn nữa có nhiều kiến thức hành trang trên đường tour.
Không thể phủ nhận sự phát triển của Đà Nẵng sau 15 năm trở thành TP trực thuộc Trung ương. Nhưng dưới góc nhìn phong thủy, TP Đà Nẵng còn nhiều vấn đề cần suy ngẫm. Phong thủy ngày nay, không chỉ đơn giản là những nghiên cứu về thông gió, dòng nước của người xưa. Xa hơn, rộng hơn, phong thủy là việc sử dụng, khai thác lợi thế từ địa hình, thế đất, dòng nước…nhằm mang lại lợi ích, sự thịch vượng cho chủ nhân, con người vùng đất đó. Nên có thể nói, phong thủy là trường phái triết lý mang đầy đủ tính khoa học đã được kiểm chứng.
Đà Nẵng là điểm tấn công đầu tiên của quân đội Pháp vào năm 1858. Đà Nẵng cũng là nơi quân đội Hoa Kỳ xây dựng căn cứ quân sự liên hợp trong thời gian xâm lược Việt Nam (từ năm 1965 đến năm 1973). Ngày nay Đà Nẵng là thành phố trực thuộc trung ương, là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên. Sở dĩ Đà Nẵng có một vị thế trọng yếu như thế là do vị trí địa lý đặc biệt của thành phố này.
Trong quá trình mở mang bờ cõi về phương Nam, khi mang quân đi đánh Chiêm Thành vào năm 1471, vua Lê Thánh Tông đã dừng chân trên đèo Hải Vân. Đêm khuya thanh vắng, phong cảnh hữu tình, nhà vua ngắm trăng trên đỉnh Hải Vân Sơn, rồi nhìn xuống vịnh Sơn Trà và làm hai câu thơ:
“Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt.
Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền”
(Nghĩa là : Đêm khuya trăng rọi Đồng Long (1). Thuyền buôn Lộ Hạc (2) gió ròng canh thâu).
Từ thuở ấy, vịnh Sơn Trà (còn gọi là Vũng Thùng) đã đón nhận thuyền buôn của các thương nhân đến từ các nước trong vùng Đông Nam Á và sau này là các thương nhân từ các nước: Ấn Độ, Trung Hoa, Pháp, Tây Ban Nha… đến buôn bán, giao thương. Sách Địa lý Tả Ao định nghĩa phong thủy là “phong tàng thủy tụ”, nghĩa là nơi “gió ẩn, nước tụ”. Thuật phong thủy của tiền nhân xem xét địa lý theo hai lĩnh vực: dương cơ và âm trạch. Dương cơ giành cho phần đất làm nhà ở, đình, chùa, dinh thự, doanh trại, thị trấn, thành phố, thủ đô… Âm trạch giành cho phần đất mồ mả, lăng tẩm…, là phần dành cho người đã khuất.
Một thế đất tốt, đất kết dù là dương cơ hay âm trạch đều phải hội đủ các điều kiện như Tả Ao diễn tả: “Muốn cho con cháu sống lâu. Tìm nơi huyền vũ đằng sau cao dày. Muốn cho con cháu phát giàu. Dưới chân Minh đường nước tụ quanh năm”.
Thành phố Đà Nẵng, huyền vũ ở phía sau lưng có nhiều núi non từ thấp lên cao để tựa thế: từ Đại La, Phước Tường, cho đến Bà Nà – Núi Chúa và cuối cùng là dãy Trường Sơn hùng vĩ; còn minh đường ở phía trước mặt chính là Vũng Thùng: Từ ngày Tây lại Vũng Thùng. Đào sông lấp đá ngăn dòng nước sâu”.
Tay mặt là bạch hổ có Ngũ Hành Sơn tọa lạc tròn trịa không cao lắm, ảnh hưởng cho phái nữ. Tay trái là thanh long có Hải Vân Sơn cao vút, ảnh hưởng cho phái nam. Trước mặt thành phố Đà Nẵng có án sa là núi Sơn Trà, tấm bình phong chắn gió. Đối xứng với núi Sơn Trà là núi Đại La, Phước Tường là bức tường thành ngăn gió Lào, gió Tây. Cho nên núi Đại La được cụ Tứ khoa Tú tài Trần Nhật Tĩnh viết trong tác phẩm Hòa Vang huyện chí là “Phong Độn Đại La”. Núi Đại La, Phước Tường không những ngăn được gió Lào mà còn ngăn chặn nước lũ từ Trường Sơn đổ về biển Đông. Nhờ dãy núi này mà nước lũ không đổ trực tiếp vào trung tâm Đà Nẵng mà tạo nên hai dòng chảy bao quanh Đà Nẵng: một dòng từ sông Vu Gia chảy về sông Cẩm Lệ, qua sông Hàn; một dòng từ Trường Sơn chảy về sông Cu Đê, qua cửa Nam Ô. Sau cùng, cả hai dòng lũ này đều chảy ra vịnh Đà Nẵng.
Theo sách Hồng Vũ Cấm Thư, có bốn thế đất kết là: Oa – Kiềm – Nhũ – Đột. Sách Địa lý vi sư pháp định nghĩa kết oa như sau: “Oa là lõm xuống như lòng chảo mà hai bên thì cao che gió cho hình thế đất. Thường thường ở núi xuống đồng bằng đến chỗ nào long mạch thấp trũng xuống như lòng chảo và hai bên cao che gió cho huyệt trường thì chỗ đó gọi là oa”.
Sông Cu Đê và sông Hàn tựa như hai con rồng chầu vào thành phố Đà Nẵng tạo thành hình thế: “Song long nhiễu nguyệt” (Hai con rồng chầu vào mặt trăng). Do vậy mà vua Lê Thánh Tông đã gọi vịnh Đà Nẵng là Đồng Long.
Người xưa cũng có câu “Đất bồi thì ở, đất lỡ thì đi”. Thật vậy, nếu đi tìm ngữ nguyên ngữ nghĩa địa danh, làng xưa nhất của Đà Nẵng chính là làng Nại Hiên. Nại Hiên nghĩa là cái tiền đình hứng chịu gió cát mưa bão từ khơi xa thổi vào. Những trận mưa bão mùa đông làm trôi chài đất đá dãy núi phía tây chảy ra ven sông Hàn liền bị gió cát nắng hạn sau đó từ trùng dương thốc vào, phủ lấp lên. Làng Thạch Than định hình trong ý nghĩa đá đất và nước ấy (3) .
Nếu thế kỷ XVII là thời kỳ cực thịnh của thương cảng Hội An, thì từ giữa thế kỷ XVIII khi những cánh thuyền từng ngang dọc trên hải trình biển Đông đã nhường chỗ cho các con tàu chạy bằng hơi nước tân tiến hơn tức cũng là lúc thương cảng Hội An bắt đầu đi xuống và sự tấp nập sầm uất của thương cảng Đàng Trong đã chuyển ra Cửa Hàn – Đà Nẵng, do cửa khẩu này hội đủ các điều kiện an toàn thuận lợi cho những con tàu vận hành bằng cơ khí. Cảng Đà Nẵng nằm trong vịnh nước sâu, dễ cho tàu viễn dương cập sát bến, lại có núi bao bọc che chở gió mùa đông bắc. Người Minh Hương lục tục rời phố cổ, bắt đầu sống một cảnh hai quê; một số Hoa thương đã di cư vĩnh viễn ra Đà Nẵng, thành phố đầy tương lai. Những làng đầu tiên được xây dựng để tạo nên diện mạo của Đà Nẵng sau này như các làng: Nại Hiên, Thạch Than, Nam Dương, Thạc Gián, Hải Châu.
Thạc Gián có nghĩa là “con suối hay khe lớn phát nguyên giữa hai trái núi đá” (4) , do đó chữ Thạc có bộ thạch một bên. Nghiên cứu địa lý lịch sử của đất Đà Nẵng cho thấy rằng từ nhiều ngàn năm biển còn ngự trị bao bọc chân núi Phước Tường. Trong quá trình “thương hải biến vi tang điền”, nước biển rút dần để lộ cát ra thành cồn, nổng mênh mông, nhưng còn lưu dấu hai dòng thủy đạo chảy từ núi Phước Tường ra biển: đó là Thanh Khê và Thạc Gián. Địa bộ còn ghi trong cương thổ Thạc Gián có địa danh Hải Hạc xứ, tức là địa sở do biển khô cạn làm thành xứ ở. Làng xưa của Đà Nẵng có tên là Hải Châu cũng phô diễn ý nghĩa xứ ở trong điều kiện biển hóa nên cồn đó của từ nguyên Hải Châu (5) .
Nhìn tổng thể thì thành phố Đà Nẵng là hành lang vươn ra Thái Bình Dương, với điểm nhô ra biển nhiều nhất nằm trên đường cong hình chữ S của bản đồ Việt Nam. Dọc tuyến bờ biển của Đà Nẵng, bắt đầu từ phía nam có núi Non Nước (Ngũ Hành Sơn) tọa lạc trấn thủ, tiếp đến là núi Sơn Trà bao bọc ở phía đông, giáp với núi Hải Vân ở phía bắc; tất cả đã tạo nên tấm bình phong, ngăn chận các đợt gió mùa đông bắc, gió chướng, thổi vào Đà Nẵng. Cảng Đà Nẵng được xây dựng là nhờ vị trí thiên nhiên ưu đãi này.
Một điểm đáng chú ý nơi đây là hình thế địa lý nước Việt Nam giống như vạch phân định “lưỡng Ngũ Hành Sơn Ảnh: Phạm Văn Thanh nghi” (âm – dương) trong đồ hình Bát quái. “Cực âm chí dương”, “cực động chí tịnh”, “cực suy chí thịnh” và ngược lại… Những gì xảy ra trên thế giới đến điểm chí cực thì đến Việt Nam bị đảo ngược. Dẫn chứng lịch sử: đế quốc Mông Cổ bách chiến bách thắng, làm cỏ Trung Á, Đông Âu, xâm chiếm Trung Quốc nhưng đến Việt Nam thì thất bại; chủ nghĩa thực dân Pháp, chủ nghĩa đế quốc Mỹ đến Việt Nam thì chấm dứt…
Đà Nẵng nằm trên cái trục của lưỡng nghi làm nên điểm then chốt để gánh vác hai đầu là hai thành phố lớn của Tổ quốc: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu theo kinh dịch và Phật giáo, thì Đà Nẵng là nơi hòa hợp âm dương ngũ hành với vị trí địa lý đắc địa đối với trong nước và cả trong khu vực. Đi từ Bắc vào Nam ta có núi Tam Đảo (ba), đến Đà Nẵng (trung điểm) có núi Ngũ Hành Sơn (năm) với chùa Linh Ứng cùng truyền thuyết phật giáo nơi đây, tiếp đến vào phía nam có núi Thất Sơn (bảy). Nhìn ra thế giới theo Thuyết Lưỡng Nghi thì Đà Nẵng là tâm điểm của âm dương vũ trụ khi dùng compa xoay một vòng từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái.
Niềm tự hào của Thành phố Đà Nẵng nằm trên con đường di sản UNESCO: Phong Nha – Huế – Hội An – Mỹ Sơn; bãi biển Mỹ Khê của Đà Nẵng được tạp chí Forbes Mỹ bình chọn là một trong 5 bãi biển đẹp nhất thế giới với vẻ đẹp thiên phú, núi cao vun vút, biển xanh bất tận, sông dài ấm áp…
Núi Sơn Trà là án sa phía đông, núi Đại La là huyền vũ phía tây của Đà Nẵng. Đây cũng là hai lá phổi xanh của thành phố. Cả hai nơi này cần được bảo vệ, không cho khai phá bừa bãi, phá núi, khai thác đất đá, cây cối, hủy hoại môi trường sinh thái. Đặc biệt, núi Sơn Trà là điểm chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng. Ta phải nắm quyền chủ động kiểm soát không nên để ngõ, phơi ngực, hở đồn ra để đối phương tấn công hoặc nắm giữ. Khai thác khu du lịch hoặc xây dựng các khu biệt thự ở những nơi này, nếu do người nước ngoài làm chủ thì cần phải đề phòng về an ninh.
Mở mang thành phố Đà Nẵng về mọi mặt là điều ai cũng mong muốn nhưng phát triển như thế nào cho được đồng bộ, có sách lược lâu dài bền vững, không thể vì quyền lợi trước mắt, vì cái lợi nhỏ chạy theo kinh tế thị trường mà đánh mất cái căn bản là chúng ta tự hủy diệt chính mình.
Tác giả: Tiến sĩ Lê Văn Hảo (Tiến sĩ Dân tộc học tại Đại học Sorbonne) – Kiến trúc sư Hồ Huy Diệm (nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch TP Đà Nẵng) – Admin www.citytourdanang.com
Chú thích trong bài :
(1) Đồng Long là tên cũ của vịnh Sơn Trà.
(2) Thuyền buôn Lộ Hạc ám chỉ thuyền của các nước Đông Nam Á đến buôn bán đang đậu trong vịnh Sơn Trà.
(3) Kỉnh Thảo, “Phố cảng Đà Nẵng trong tiến trình lịch sử”. In trong: Báo Đà Nẵng (Chủ biên), Đà Nẵng bước vào thế kỷ 21 (Thành phố Hồ Chí Minh: Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2000), 57. Nguyên thủy tên làng là Thạch Than. Thạch ( : đá), Than ( : đất ven nước, bãi biển, bãi sông). Về sau đọc trại thành Thạch Thang (BT).
(4) Nguyễn Sinh Duy, “Khảo về danh xưng Đà Nẵng”. In trong: Báo Đà Nẵng (Chủ biên), Đà Nẵng bước vào thế kỷ 21 (Thành phố Hồ Chí Minh: Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2000), 44. Âm của hai chữ là Thạc Giản. Thạc ( : to lớn), Giản ( : khe suối, chỗ giữa hai miền núi gần nước). Về sau đọc trại thành Thạc Gián (BT).
(5) Nguyễn Sinh Duy, “Khảo về danh xưng Đà Nẵng”. In trong: Báo Đà Nẵng (Chủ biên), Đà Nẵng bước vào thế kỷ 21 (Thành phố Hồ Chí Minh: Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2000), 45.
Tài liệu tham khảo:
1-5. Cao Trung. Không đề năm xuất bản. Dã đàm Tả Ao. California: Xuân Thu.
6. Dương Quân Tùng. 1962. Hồng Vũ Cấm Thư. Sài Gòn: Bộ Quốc gia Giáo dục.
7. Kỉnh Thảo. 2000. “Phố cảng Đà Nẵng trong tiến trình lịch sử”. In trong: Báo Đà Nẵng (Chủ biên). Đà Nẵng bước vào thế kỷ 21. Thành phố Hồ Chí Minh: Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh: 56-64.
8. Lê Văn Hảo. 2002. “Một cái nhìn địa lý về phía Tây Đà Nẵng”. Đà Nẵng Cuối tuần. 1619 (Ngày 3/11).
9. Nguyễn Phúc Vĩnh Tung. 2001. Phong thủy với cuộc sống hôm nay, California: Ana Real Estate & Ana Funding, Inc.
10. Nguyễn Phúc Vĩnh Tung. 2001. Phong thủy, bí quyết để thành công, California: Ana Real Estate & Ana Funding, Inc.
11. Nguyễn Sinh Duy. 2000. “Khảo về danh xưng Đà Nẵng”. In trong: Báo Đà Nẵng (Chủ biên). Đà Nẵng bước vào thế kỷ 21. Thành phố Hồ Chí Minh: Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh: 38 – 47.
12. Quảng Tuệ. 2006. “Phong thủy nhà hàng khách sạn”. Thế giới mới, 680 (Ngày 10/04): 73.
13. Quốc sử quán triều Nguyễn. 1992. Đại Nam nhất thống chí. 5 tập. Huế: Thuận Hóa.
14. Sào Nam Phan Bội Châu. 1996. Chu Dịch. Hà Nội: Văn hóa Thông tin.
15. Trần Nhật Tĩnh. 1868. Hòa Vang huyện chí. Bản chép tay chữ Hán.
Với tài liệu tham khảo này, City Tour Đà Nẵng hy vọng các bạn hướng dẫn viên sẽ lưu lại cho mình những kiến thức nền tảng tốt nhất để hành nghề, giúp du khách hiểu hơn văn hóa lịch sử quê hương mình. Thân mến!
Đọc thêm các tài liệu khác tại city tour đà nẵng:
Cảm ơn City Tour bằng cách click vào ngôi sao để đánh giá bài viết:
Tin liên quan
Thời gian:
Phương tiện:
Giá: Liên hệ