Tài liệu về tín ngưỡng thờ cúng cô hồn ở Hội An, Quảng Nam

Chào bạn đọc, trước đây City Tour Đà Nẵng đã từng post và chia sẽ bài viết về tín ngưỡng thờ môn thần (thần giữ cửa). Hôm nay City Tour xin chia sẽ đến bạn đọc một tín ngưỡng khác cũng khá nổi tiếng tại Hội An, tín ngưỡng thờ cúng cô hồn.

Tháng cô hồn: Truyền thuyết dân gian cho rằng từ mùng 2/7, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan.

Tín ngưỡng thờ cúng cô hồn có mặt hầu như khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Có thể tổ chức lễ theo quy mô cộng đồng, làng xã hoặc cũng có thể tổ chức theo quy mô gia đình, cá nhân. Đối với Hội An, Quảng Nam, tín ngưỡng thờ cũng cô hồn theo quy mô cộng đồng mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Chính những đặc điểm của lễ cúng này đã phát triển thành một hệ giá trị góp phần định hình nên bản sắc của cư dân miền di sản.

1. Nguồn gốc thờ cúng cô hồn và phân loại cô hồn

Có thể nói việc thờ cúng cô hồn ra đời từ rất lâu, không ai biết rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, Phật giáo cho rằng việc siêu độ cô hồn có thể phát xuất từ đời nhà Đường bên Trung Quốc khi ngài Huyền Trang trở về sau chuyến Tây du, lập đàn siêu độ cho tứ sanh đang luân hồi trong lục đạo. Qua đời Tống, ngài Bất Khinh Tam Tạng chuyên tu Mật Giáo ở Mông Sơn, tỉnh Tứ Xuyên quán biết các cô hồn đang vất vưởng, đòi hỏi những nhu cầu cần thiết, nên đã vận dụng pháp lực để cung ứng và siêu độ cho họ. Pháp Sư đã gom tập Kinh “Du Già Diệm Khẩu” với các Bộ trong Mật Tông, biên soạn thành “Nghi Mông Sơn Thí Thực”. Nhân đó, Tòng Lâm, chùa, miếu ở các phương đã dùng làm Thời Khóa chiều tối, dùng trong ngày và bốn chúng đệ tử đều có thể hành nghi thức này (trích nguồn Maosonvn.clictopic.com).

Tại Việt Nam, theo Đại Việt sử ký toàn thư, pháp Trai đàn thí thực âm linh cô hồn được du nhập từ Trung Quốc vào năm 1302 (thời Trần) do một đạo sĩ tên Hứa Tông Đạo. Theo Nguyễn Lang, năm 1320, ngài Pháp Loa đã tổ chức Đại trai đàn chẩn tế ở chùa Phổ Ninh [5;167]. Như vậy có thể cho rằng pháp Trai đàn chẩn tế thí thực âm linh cô hồn ở Việt Nam được bắt đầu từ đời Trần và duy trì đến hiện nay.
Theo quan điểm của dân gian thì cô hồn gồm có các loại như sau:
– Vong linh của mười loại người chết vì mười nguyên nhân khác nhau. Đó là các nạn nhân bị ôn dịch, bệnh tật, chiến tranh, bão lũ, là những người bị xiêu mồ lạc nấm nơi đầu gành cuối bãi, những người chết bất đắc kỳ tử do tai nạn, em bé mất khi còn trong bụng mẹ…
– Vong linh của dân sở tại: cũng là vong hồn của những cái chết “bất đắc kỳ tử” nhưng có nguồn cội, danh tính bởi là thành viên của các chư phái tộc trong làng, nhưng do thác ở nơi khác nên hầu hết bị thất lạc mồ mả.
– Vong hồn của những người chết trên biển, trên sông vì các cuộc mưu sinh từ xưa.
– Những người khuất mặt hay còn gọi là “khách”. Có lẽ đây là cách gọi tế nhị và tôn trọng của người Việt đối với người Chăm vốn là vong hồn tiền chủ của vùng đất “tiền Việt”.
– Chiến sĩ trận vong: là các chiến sĩ tử trận, không phân biệt bên địch bên ta.

2. Cơ sở thờ tự

Theo lời người dân địa phương, Hội An trước đây có rất nhiều miếu cô hồn. Cái lớn thì gọi cái đình, cái nhỏ hơn tí thì gọi là cái miếu hay là miễu, cái nhỏ hơn nữa thì gọi là cái khóm. Tuy nhiên, ngày nay chỉ còn nổi bật với miếu Tín Thiện do cư dân Tín Thiện xã Minh Hương (trước đây) lập để thờ cô hồn. Miếu thuộc kiệt Âm Hồn số 78/6 Trần Phú, khối An Thái, phường Minh An.
Miếu được xây theo kiểu kiến trúc nhà Việt cổ, mái ngói âm dương đặc trưng cùng kiến trúc vì kèo rất chắc. Cũng theo lời người dân địa phương, trước đây miếu có năm gian nhưng hiện tại chỉ còn ba gian, gian thứ tư và gian thứ năm đã bị người dân chiếm dụng. Ngoài cửa có bức hoành phi ghi Thần Minh Xá và dòng chữ “Tự Đức năm thứ nhất (1848), xã Minh Hương, Trương Đức Trạc phụng cúng”.
Bên trong miếu, phía trên mái có hoành phi “nghĩa từ”, hai bên hoành phi có ghi “Canh Dần niên 1830 quý thu nguyệt cát đán, Tín Thiện tộc đồng kiến tạo” (ngày xưa cứ hai lăm nhà là một lư, làng mạc gọi là lư lý, cứ bốn lư là một tộc, tộc không phải là những người cùng thủy tổ sinh ra). Nhìn chính diện miếu có ba gian thờ với ba vị thần chủ được chạm khắc trên gỗ, bao gồm “Quý Hiển Âm Hồn Liệt Vị”, “Tả Ban Quý Hiển Âm Hồn Liệt Vị”. “Hữu Ban Quý Hiển Âm Hồn Liệt Vị”.

Hai bên có hai câu đối thờ “Thê lương túc hảo bi hao lý; Phân bậc thanh tôn thõa lữ hồn”, hai câu đối này được nhà giáo Phạm Thúc dịch “Thê lương cỏ tối mờ đường tới; Thơm thảo rượu trong mời bóng về”. Gian tả còn bố trí thờ Phước Đức Chánh Thần với câu đối “Phước nhi hữu đức gia gia t; Chánh tắc vi thần xứ xứ tôn” dịch “Phước và có Đức nhà nhà phụng tự; Chánh tắc làm Thần xứ xứ suy tôn”.
Gian giữa thờ vong hồn ký tự với tên gọi “Kí Tự Chư Tiên Linh Liệt Vị”, với hai bảng gỗ ghi bài vị “những người quá vãn trải nhiều đời” bằng chữ Hán với nội dung ghi lại tên họ của những người qua đời được ký tự. Trong miếu cũng có bia để ghi lại quá trình lập miếu nhưng khác ở các miếu khác là lập bia bằng gỗ chứ không phải bằng đá. Bia ghi lại rằng, ý định lập miếu đã có từ năm Nhâm Ngọ qua việc lập đàn cầu nguyện những người xấu số, những vong linh mồ hoang mả lẻ nhưng mãi đến năm Quý Sửu 1829 mới quyên đủ tiền mua đất xây miếu, mỗi năm đầu xuân cúng tổ mộ một lần.
Từ khi lập miếu đến nay thì không có văn bia nào ghi lại những lần trùng tu mà chỉ qua những hoành phi, câu đối của những nhà hảo tâm cúng phụng mới ghi lại một số mốc thời gian của miếu.
Tại một số làng ven biển, hầu hết miếu cô hồn được xây dựng tương đối giống nhau về vị trí, quy mô và phương hướng. Phổ biến nhất là xây cùng hướng và gần với lăng Ông ngư (mặt chính quay ra biển). Phần lớn kiến trúc mang dáng dấp đình làng xứ Quảng và khá đơn giản. Về trang trí, đa phần theo mô típ kiến trúc thời Nguyễn với bình phong, trụ biểu có đầu t trụ đắp hoa sen nhô cao. Trên đỉnh mái là mô típ“lưỡng Long chầu Nguyệt” đắp bằng sành sứ. Chữ thờ bên trong phổ biến là “Linh” hoặc “Anh Linh” [6;134]. Trong miếu thường có thờ Tiêu Diện Đại Sĩ – vị thần chỉ huy cô hồn, Tiêu Diện được thờ trong khóm riêng hay biểu trưng bằng một giá kỉnh, trên đó có hai chữ “Đại Sĩ”. Tại lăng Phước Trạch của làng biển Phước Trạch có tượng Tiêu Diện với với hình dạng đen nhẻm, gân guốc. Ngoài ra còn có một số nơi phối thờ Tiền hiền và thờ các bậc trung liệt có công với nước với dân.
Một hình thức thờ tự khác theo quy mô cộng đồng khá phổ biến ở Hội An là các khóm thờ đặt dưới các cây lâu năm và tại các ngã ba, ngã tư đường. Theo quan niệm của người dân, những linh hồn cô đơn không nơi cư trú thường chọn những cây lớn để ẩn náu và cũng thường lui tới ngã ba, ngã tư đường nên việc thờ cúng tại các địa điểm trên là hết sức cần thiết. Ngoài ra tại những đoạn đường hay xảy ra tai nạn và những nơi hay có người chết oan… người dân cũng thường lập một cái am nhỏ để cúng vái.

3. Thời gian cúng

Cũng như ở các hộ gia đình, việc thờ cúng cô hồn trong cộng đồng dân cư được chú trọng thực hiện. Trong một năm có rất nhiều dịp thực hiện nghi lễ cúng cô hồn.
Thứ nhất: Vào những ngày đầu năm của tháng giêng (từ ngày rằm đến ngày 21 tháng giêng), hầu hết các xóm đều thực hiện việc cúng đầu năm và trong mâm cúng bao giờ cũng có một mâm dành cúng cô hồn. Một áng thờ gồm 3 bàn được xếp từ thấp đến cao đặt ngay giữa xóm. Vật phẩm cúng là những sản vật mà người dân làm ra được. Bên cạnh hoa quả, bánh trái, khoai, sắn, xôi, thịt, cá, tôm… lễ vật còn có Thành Hoàng bằng giấy và 2 mâm tiền vàng. Tất cả lễ vật được bày biện thành 3 mâm thượng – trung – hạ, trong đó mâm hạ chính là mâm dành cho cô hồn.
Thứ hai: Tại những làng ven biển, trong lễ cúng cá Ông hằng năm có một phần nghi lễ cúng cô hồn, nghi lễ này được thực hiện đầu tiên vào rạng sáng ngày tế lễ chính thức của lễ cúng cá Ông (lễ cúng cá Ông thường diễn ra trong ba ngày, ngày thứ hai của lễ là ngày chính thức).
Thứ ba: Vào những ngày Sóc, ngày Vọng người dân sẽ cúng cô hồn tại các lăng, miếu, am…
Thứ tư: Vào những ngày rằm lớn trong năm việc cúng cô hồn được cộng đồng dân cư tổ chức khá lớn như rằm tháng bảy, rằm tháng tư.

4. Nghi thức cúng

* Lễ vật

Khi thực hiện nghi thức cúng cô hồn tại cộng đồng làng xóm vào những ngày đầu năm thì lễ vật cúng cô hồn được chuẩn bị đầy đủ, thịnh soạn hơn so với ở gia đình. Ngoài cháo trắng, vàng mã, nước như thường thấy thì có chuẩn bị Long Chu làm bằng giấy rất đẹp. Trên Long Chu người dân đặt lễ cúng là một bát hương, một đôi đèn, đĩa đồ mặn gồm: trứng gà, tôm, cua, khổ thịt… Vào các dịp cúng Cá Ông thì có cháo trắng, khoai lang luộc, đường cục, bát gạo muối, trầu cau, rượu cùng hương đèn và đồ vàng mã. Vào những ngày Sóc ngày Vọng thì đơn giản là cúng cháo và nước, có nơi chỉ thắp hương, đèn.
Đặc biệt vào những ngày cúng cô hồn tại một số làng ven biển thì lễ vật được bày biện với các thức cúng chay, được chế biến thành các món như: cơm, canh, đồ xào, bánh tét, bánh tráng, bát đường, cháo trắng, khoai, sắn, bỏng, trầu cau, rượu, nước lã.

* Chủ tế
Chủ tế trong những buổi cúng cô hồn tại cộng đồng cư dân là những vị cao niên, những người đứng đầu xóm làng, cũng có thể là một người chuyên lo về việc cúng kiếng của làng gọi là thầy cúng. Nhưng dù là ai đi chăng nữa thì trang phục cũng phải gọn gàng, chỉnh tề, riêng với thầy cúng thì thường mặc áo dài, khăn đóng màu tối, khi cúng tâm phải tịnh, phải hướng về cô hồn.

* Trình tự thờ cúng.
– Tại những buổi lễ cúng đầu năm, sau khi đặt lễ vật đầy đủ lên bàn cúng, dân làng bắt đầu nổi ba hồi chiêng, trống báo cho mọi người biết việc cúng được bắt đầu và cũng là để mời thần linh, cô bác về dự. Sau đó, người chủ tế đọc văn khấn mời cô hồn, tiếp đến dành khoảng 1 giờ đồng hồ để đại diện các hộ gia đình gởi lời khấn vái. Trích đoạn văn tế thỉnh cô hồn về dự lễ:

Cung thỉnh Tả Ban Liệt Vị, Hữu Ban Liệt Vị tôn thần.
Cung thỉnh Tiền Hiền Khai Khẩn, Hậu Hiền Khai Cơ chi thần.
Cung thỉnh Tiền Hiền Hữu Sắc mạng chư vị Cung thỉnh Mộc Thụ, Cổ Thụ chi thần.
Cung thỉnh xứ nội Tiền Vãng, Hậu Vãng tôn linh. Cập bộ hạ thị tùng hàm lai phụ hưởng….
Tiếp đến, thực hiện nghi lễ rước Long Chu quanh xóm. Trong quá trình rước, dân làng cắm hương dọc đường đi nhằm cho thần linh, cô bác, cô hồn biết đường đi theo. Sau đó, đưa Long Chu lên thuyền, ra ngã ba sông và thả trôi theo biển.

– Đối với làng ven biển, việc cúng âm linh trong lễ cúng cá Ông được thực hiện khá đơn giản. Bắt đầu vị chánh bái gõ ba hồi mõ sau đó dâng tuần rượu và đọc văn tế. Nội dung của văn tế âm linh biểu hiện sự yêu thương cho những kẻ bất hạnh, khốn khổ đã khuất. Tế xong, vật tế lễ được tung ra khắp nơi để thí thực cô hồn.
– Vào ngày lễ tế dành riêng cho cô hồn thì nghi lễ được tổ chức long trọng đầy đủ hơn cả. Không gian lễ diễn ra cả trong và ngoài lăng, thường diễn ra trong hai ngày, ngày đầu gọi là lễ túc hay là gọi là lễ chưng thường, ngày sau gọi là lễ chánh, đặc biệt lễ chánh thường diễn ra và từ lúc 1 giờ đến 5 giờ sáng. Nghi thức tế lễ giống với nghi thức tế đình nhưng thay vì xướng “Nghinh tôn thần cúc cung bái” thì xướng “Nghinh âm linh cúc cung bái”. Lễ túc còn gọi là lễ tế ngoại đàn, nhằm thỉnh hồn người chết về sân lăng. Tại lễ túc có hai bàn án, bàn thứ nhất để cúng thành hoàng bổn xứ và thổ địa, bàn thứ hai để tế cáo âm linh, cô bác, lễ chánh tế tiến hành trong lăng.

Vào sáng ngày lễ túc sẽ thực hiện lễ rẫy mã âm linh, thực hiện ở những làng có nghĩa trũng, với thành phần đa số là trai tráng do ông chủ tế hướng dẫn. Buổi chiều là lễ nghinh thỉnh, rước nồi hương (biểu tượng là một cây hương) ở các nơi thờ tự khác của làng về lăng Âm linh.

– Đặc biệt, ở các làng ven biển còn có lễ quẩy cơm cô bác dành để cúng cho cô bác thuộc các tộc, họ trong làng đã bỏ mình trên biển, có tên tuổi, được lưu giữ thờ phụng trong lăng âm linh. Lễ này thường được tổ chức vào ngày giỗ chung thường niên của cả làng nên có một số khác biệt so với lễ tế âm linh nói chung.
Thường vào ngày lễ quẩy cơm cô bác có các lễ sau:
– Lễ nghinh thủy lục
– Lễ tống ôn (gồm hai giai đoạn là lễ nhương ôn và lễ tống ôn) với các nghi:
+ Nghi trượng Long Chu + Nghi trượng đồng tiền âm dương
+ Nghi trượng ngọn đuốc
– Tục hát bả trạo/ chèo âm linh/ chèo/ hát chèo cô hồn
Tuy nhiên, dù diễn ra ở đâu, vào thời gian nào, tất cả các nghi lễ đều được chuẩn bị chu đáo và thực hiện một cách trang trọng thể hiện sự tôn trọng và thương cảm của cộng đồng dân cư đối với các cô hồn bất hạnh.

5. Kết luận

Trong cộng đồng người việt ở Hội An tín ngưỡng thờ cúng cô hồn luôn mang nội dung bình dị và giàu tính thực tiễn, không cực đoan hay khiêng cưỡng. Nó gắn liền với đất và con người nơi đây, trở thành nếp sống, phong tục, bám rễ sâu trong tiềm thức của mỗi người.
Là một nét đẹp trong văn hoá cộng đồng của người dân Hội An nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung tín ngưỡng thờ cúng cô hồn hướng con người đến cuộc sống lương thiện hơn, tốt đẹp hơn. Đồng thời thể hiện sự khát khao của người dân nơi đây về chân lý, về cái hoàn mỹ và hạnh phúc vĩnh hằng. Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ cúng cô hồn còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái của con người trong các mối quan hệ, thể hiện tình đoàn kết của xóm làng và lòng biết ơn đối với những thế hệ đi trước.
Nhằm góp phần nghiên cứu văn hóa dân gian và hệ tư tưởng của cư dân vùng thương cảng từng vang bóng một thời, việc nghiên cứu sâu sắc về tín ngưỡng thờ cúng cô hồn ở Hội An là hết sức cần thiết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Văn An (2010), Di sản văn hóa văn nghệ dân gian Hội An, NXB Lao động.
2. Lê Duy Anh (2010), Lễ hội và văn hóa dân gian xứ Quảng, NXB Quân đội nhân dân.
3. Nguyễn Văn Bổn (1985), Văn ghệ dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng, Sở văn hóa thông tin Quảng Nam – Đà Nẵng.
4. Nguyễn Xuân Hương (2007),Tín ngưỡng của cư dân ven biển Quảng Nam-Đà Nẵng, NXB Từ Điển Bách Khoa.
5. Nguyễn Lang (1979), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I, NXB Văn học.
6. Võ Văn Hòe, Hồ Tấn Tuấn, Lưu Anh Rô (2007), Văn hóa xứ Quảng – một góc nhìn, NXB Đà Nẵng
7. Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Nam (2001), Văn hoá Quảng Nam – những giá trị đặc trưng, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học.

 Tác giả: Ngô Thị Hường, Trần Thị Thương (Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng )

Với tài liệu tham khảo này, City Tour Đà Nẵng hy vọng các bạn hướng dẫn viên sẽ lưu lại cho mình những kiến thức nền tảng tốt nhất để hành nghề, giúp du khách hiểu hơn văn hóa lịch sử quê hương mình. Thân mến!

Đọc thêm các tài liệu khác tại city tour đà nẵng:

1  Tham gia Group Tài liệu thuyết minh du lịch
2  Đăng ký kênh Youtube thuyết minh dành cho hướng dẫn viên
3  Ý nghĩa và biểu tượng cổng Tam Quan
4  Lịch sử hình thành 3 ngôi chùa Linh Ứng tại Đà Nẵng
5  Lịch sử chùa Tam Thai tại Ngũ Hành Sơn
6  Tài liệu Thuyết minh về tháp Xá Lợi
7  7 sự hiểu lầm về đạo Phật ở Việt Nam
8  Ý nghĩa số 7 trong đạo Phật (nằm giữa bài viết)
9  Bài thuyết minh về đại nội Huế
10  Download nhiều ebook lịch sử 
11   Lược sử về cuộc đời Phật Thích Ca.
12  Tam Thế Phật là ai và có ý nghĩa gì?
13   Những địa danh vùng miền bị thay đổi và sai lệch
14  Lịch sử thú vị của ngày lễ tình nhân
15  Tài liệu lịch sử về đảo Cù Lao Chàm
16   Tài liệu thuyết minh về sông Bến Hải – cầu Hiền Lương ở Quảng Trị
17  Tín ngưỡng thờ môn thần (thần giữ cửa) ở Hội An
18  Lịch sử về Rừng Dừa Bảy Mẫu tại Hội An
19  Tour Huế 1 ngày từ Đà Nẵng
20  Chuyện ăn uống của các vua Nguyễn
21  Chuyện phòng the của vua Nguyễn
22  Ý nghĩa của việc chắp tay trong đạo Phật
23  Thuyết minh về Bắc Đế Trấn Vũ tại Chùa Cầu Hội An
24  Lược sử đạo Thiên Chúa Giáo
25   Tour phố cổ Hội An 1 ngày: 440.000 vnd/1 khách
26  Tài liệu lịch sử Chùa Cầu ở Hội An
27  Tài liệu thuyết minh lịch sử Phu Văn Lâu ở Huế
28  Ý nghĩa niên hiệu của các vị vua triều Nguyễn
29  Lịch sử cuộc đời 13 vị vua triều Nguyễn
30  Lịch sử nhà thờ Chính Tòa Đà Nẵng

Cảm ơn City Tour bằng cách click vào ngôi sao để đánh giá bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *